Ở vị trí trên cao so với Trái đất, một vệ tinh đang bay quanh hành tinh mỗi ngày. Vệ tinh này săn lùng rò rỉ khí methane - một loại khí vô hình, siêu ô nhiễm đang làm nóng hành tinh đáng kể.
Các phép đo của vệ tinh đã xác định "thủ phạm nguy hiểm nhất" gây ra biến đổi khí hậu trên thế giới.
Vệ tinh MethaneSAT là một vệ tinh thế hệ mới được thiết kế để phát hiện các nguồn khí phát thải ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Khi được kết hợp với sức mạnh công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo của Google, dữ liệu do vệ tinh này cung cấp để phân tích và lập bản đồ cơ sở hạ tầng dầu khí.
Bản vẽ của nghệ sĩ về vệ tinh MethaneSAT, một vệ tinh được thiết kế để đo mức độ ô nhiễm mêtan trên thế giới. (Ảnh: MethaneSAT).
Từ trước đến nay, việc đo đạc rò rỉ methane rất tốn kém khi phải sử dụng máy bay và các camera hồng ngoại cầm tay. Cách làm này chỉ cung cấp bức tranh tại một thời điểm và phải mất nhiều năm tập hợp, nghiên cứu mới có thể công bố được kết quả.
Lập bản đồ các cơ sở hoạt động dầu và khí rất khó khăn. Vị trí của các giếng khoan, máy bơm công nghiệp và bể chứa thay đổi rất nhanh, vì thế bản đồ cũng cần được cập nhật thường xuyên. Một vệ tinh sẽ đáp ứng được yêu cầu này.
Những phát hiện ban đầu của MethaneSAT mới đây ghi nhận ngành dầu khí đang thải khí với tốc độ trung bình cao hơn từ 3-5 lần so với thống kê của Cơ quan Bảo vệ Môi trường và vượt xa với ước tính của ngành vào năm 2023.
Lưu vực Permian (Mỹ), một trong những lưu vực dầu khí năng suất nhất thế giới, đang rò rỉ khí methane với tốc độ gấp 9 - 14,5 lần so với mức giới hạn mà ngành công nghiệp đặt ra. Lưu vực Appalachia (Mỹ) đang rò rỉ khí methane cao gấp 4 lần so với mức giới hạn đặt ra. Và ở tiêu bang Utah (Mỹ), tỷ lệ rò rỉ ghi nhận gấp 45 lần so với mức giới hạn quy định.
"Đây thực sự là một phát hiện rất có ý nghĩa. Những hình ảnh mà chúng tôi bắt đầu thấy thực sự phi thường xét về độ chính xác tổng thể của dữ liệu", Ritesh Gautam, nhà khoa học cao cấp hàng đầu của MethaneSAT cho biết.
Khí đốt tự nhiên được đốt cháy tại Andrews thuộc bang Texas, một phần của lưu vực Permian, vào tháng 3 năm 2022. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images).
Ô nhiễm khí methane từ lâu đã bị đánh giá thấp và chưa được hiểu rõ, nhưng khí đốt tự nhiên có tới 90% là methane. Điều mà các nhà khoa học biết là, methane giữ lại lượng nhiệt gấp khoảng 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên trong khí quyển.
"Việc đánh giá thấp mức phát thải methane thực tế có nghĩa là đánh giá thấp tác động làm nóng của chúng. Với sức mạnh của methane, đây thực sự là một vấn đề. Nếu chúng ta không hiểu được quy mô của vấn đề thì những nỗ lực giảm thiểu sẽ không đủ mạnh mẽ", Antoine Halff, đồng sáng lập kiêm nhà phân tích chính tại nhóm giám sát môi trường Kayrros cho biết.
"Phát hiện gây sốc"
Các báo cáo ban đầu của vệ tinh đã gây sốc. Hơn nửa triệu giếng chỉ sản xuất 6% - 7% dầu khí ở Mỹ nhưng tạo ra khoảng 50% ô nhiễm khí methane của ngành.
Vệ tinh cũng thu thập dữ liệu từ hai quốc gia sản xuất dầu lớn khác là Turkmenistan và Venezuela.
Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở lưu vực Nam Caspi của Turkmenistan, một trong những điểm nóng khí methane lớn nhất hành tinh. Theo dữ liệu, khu vực này đang bơm khí methane với tốc độ gấp 1,5 lần lưu vực Permian (Mỹ) - cụ thể là hơn 970.000 pound mỗi giờ.
Các nhà khoa học tin tưởng vào các số liệu của vệ tinh MethaneSAT vì dữ liệu cung cấp phù hợp với các nghiên cứu trước đây.
"Phân tích năm 2023 của nhóm Kayrros về ô nhiễm methane toàn cầu cho thấy Turkmenistan có cường độ methane dầu khí cao nhất thế giới, mặc dù lượng khí thải đã giảm", ông Halff cho biết.
Theo ông Halff, Turkmenistan là một đất nước sản xuất dầu khí rất lớn với cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Thiết bị xuống cấp có xu hướng rò rỉ nhiều hơn.
Vệ tinh MethaneSAT cũng mang đến những hình ảnh đầu tiên về khí thải methane từ Venezuela, một quốc gia dầu mỏ Nam Mỹ có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Nhưng do Venezuela gần vùng nhiệt đới và thường xuyên có mây che phủ nên việc ghi lại khí thải methane của nước này thường rất khó khăn.
"Những gì còn lại là quan sát methane giữa các đám mây. Và lần đầu tiên vệ tinh tiết lộ những điểm nóng phát thải lớn ở những khu vực nhiều mây liên tục như Venezuela", ông Gautam cho biết.
"Giải quyết vấn đề liên quan đến khí thải methane sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ của cuộc khủng hoảng khí hậu. Cắt giảm ô nhiễm methane là cách nhanh nhất để kiềm chế tốc độ của cuộc khủng hoảng khí hậu, vì vậy, ngành dầu khí cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình giảm thiểu methane", Rob Jackson, Chủ tịch Dự án Carbon Toàn cầu và là Giáo sư về khí hậu tại Đại học Stanford cho biết.
Ông Jackson nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn cần một giải pháp thực sự. Đó là ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoàn toàn.