Chỉ trong vòng hai tuần sau khi phóng thành công, Vệ tinh Thiên văn Trung – Pháp đã hoàn thành thử nghiệm khởi động tải và đã phát hiện 3 vụ nổi tia gamma đầu tiên. Hiện tọa độ 3 vụ nổ tia gamma này đã được đưa vào mạng lưới điều phối chung quốc tế. Thông tin được Viện Khoa học Trung Quốc công bố ngày 8/7.
Vụ nổ tia gamma là vụ nổ thiên thể mạnh nhất sau Vụ nổ lớn. (Ảnh minh họa: KT).
Nhóm Dự án Vệ tinh Thiên văn Trung – Pháp thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, Vệ tinh Thiên văn Trung – Pháp được phóng lên vũ trụ vào ngày 22/6. Sau khi máy theo dõi tia gamma và máy thăm dò cao áp do Viện Vật lý Năng lượng cao thuộc Viện Khoa học Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, được khởi động, đã tiến hành thăm dò thử nghiệm trên quỹ đạo và phát hiện vụ nổ tia gamma đầu tiên vào ngày 27/6.
Tiếp đó, trong các ngày 29/6 và ngày 2/7, máy thăm dò tia gamma đã phát hiện thành công vụ nổ tia gamma thứ 2 và thứ 3 trong vũ trụ.
Theo truyền thông Trung Quốc, vụ nổ tia gamma là vụ nổ thiên thể mạnh nhất sau Vụ nổ lớn, được phát hiện vào năm 1967. Các vụ nổ tia gamma có thể diễn ra chỉ trong một phần nghìn giây hoặc dài tới vài giờ. Năng lượng tỏa ra trong vài giây tương đương với tổng năng lượng bức xạ của mặt trời trong 10 tỷ năm.
Nhà khoa học trưởng Trung Quốc về Vệ tinh Thiên văn Trung – Pháp Ngụy Kiến Ngạn cho biết, các vụ nổ tia gamma đến từ “nơi sâu thẳm của vũ trụ” cách Trái đất hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ năm ánh sáng. Việc quan sát và nghiên cứu sự kiện này sẽ giúp nhân loại giải quyết các vấn đề vật lý thiên thể học, vật lý học cũng như một số vấn đề trong khoa học cơ bản, đồng thời được kỳ vọng sẽ tiết lộ nhiều bí ẩn khoa học hơn về sự ra đời của vũ trụ.
Được biết, Vệ tinh Thiên văn Trung – Pháp là dự án hợp tác quốc tế quan trọng giữa Trung Quốc và Pháp trong lĩnh vực khoa học vũ trụ. Đây cũng là vệ tinh có khả năng quan sát tổng hợp đa băng tần mạnh nhất về các vụ nổ tia gamma trong vũ trụ trên thế giới cho đến nay.