Ánh sáng từ một lỗ đen mới hình thành cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng đã tấn công Trái đất với sức mạnh khủng khiếp, làm rung chuyển bầu khí quyển phía trên của hành tinh.
Vụ nổ tia gamma GRA 221009A từng phá vỡ mọi kỷ lục khi nó bắt đầu từ khoảng cách 2,4 tỷ năm ánh sáng, và chạm đến Trái đất vào tháng 10/2022.
Vụ nổ GRA 221009A tỏa sáng rực rỡ, dù cách Trái đất hàng tỷ năm ánh sáng. (Ảnh: NASA/ESA).
Theo ghi nhận, vụ nổ tạo ra mức năng lượng ánh sáng lên tới 18 tera-electronvolt, khiến nó được công nhận là vụ nổ không gian sáng nhất từng được ghi nhận.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã xác định rằng vụ nổ năm xưa mạnh đến mức gây ra những biến đổi đáng kể trong điện trường của tầng điện ly, ở độ cao khoảng 500 km.
"Dựa trên quan sát vệ tinh và mô hình phân tích thế hệ mới, chúng tôi nhận thấy rằng GRA 221009A đã tác động sâu sắc đến độ dẫn điện ở tầng điện ly của Trái đất, gây ra nhiễu loạn mạnh không chỉ ở tầng điện ly dưới mà còn ở tầng điện ly trên (cách mặt đất 500km)", Mirko Piersanti, nhà vật lý thiên văn của dự án, nói.
Được biết, bức xạ gamma là phần năng lượng cao nhất trong phổ điện từ, nằm trên cả bức xạ X. Tại đó, các photon của tia gamma có mức năng lượng gấp 1 tỷ - 1 nghìn tỷ lần so với năng lượng của các photon trong phần quang phổ nhìn thấy được.
Chúng chủ yếu được phát ra bởi các sự kiện có mức năng lượng cao như vụ nổ siêu tân tinh, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các sự kiện có mức năng lượng nhỏ hơn, chẳng hạn như tia sáng Mặt trời.
Ánh sáng vang vọng từ vụ nổ tia gamma truyền qua lớp bụi dày khi di chuyển về phía chúng ta, tạo thành hình ảnh các vòng tròn đồng tâm giãn nở. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Bức xạ này vốn dĩ không đáng lo ngại, và bị bầu khí quyển Trái đất hấp thụ trước khi có thể đến gần bề mặt.
Dẫu vậy, trong những trường hợp hiếm hoi, các nhà khoa học đã ghi lại bằng chứng cho thấy tia gamma và tia X từ các vụ nổ tia gamma mạnh bất thường tương tác với tầng điện ly của Trái đất.
Trong vụ nổ tia gamma GRA 221009A, mặc dù nó chỉ kéo dài khoảng 7 phút, nhưng hiệu ứng được ghi nhận trên tầng điện ly đã tồn tại trong khoảng 10 tiếng.
"Mặt trời cách chúng ta 150 triệu km. Trong khi đó, ánh sáng của GRA 221009A đã đi được 22,7 tỷ tỷ km. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra sức mạnh khủng khiếp của vụ nổ đó", Mirko Piersanti chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, kiến thức thu được từ hoạt động này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn và cụ thể hóa tác động của các vụ nổ từ xa hướng đến bầu khí quyển Trái đất.
Không chỉ vậy, nó cũng giúp họ dự đoán được điều gì có thể xảy ra nếu một vụ nổ xảy ra ở tầm gần.