Vì sao Alaska gấp rút hủy mùa đánh bắt cua tuyết?

Nguyên nhân khiến số lượng cua tuyết Alaska giảm từ ước tính 11 tỷ con xuống còn 2 tỷ chỉ trong 4 năm vẫn đang được các nhà khoa học làm rõ.

Cảnh tượng những con cua tuyết nhộn nhịp di chuyển ở vùng biển Bering ngoài khơi bang Alaska (Mỹ) đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người quan sát. Chính loài vật này đã giúp xây dựng ngành công nghiệp trị giá 160 triệu USD/năm của Alaska.


Cua tuyết được phân loại tại Cảng cá Mikuni ở tỉnh Fukui, Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg).

Nhưng năm nay, giới chức quản lý thủy hải sản liên bang của Mỹ lần đầu tiên phải hủy bỏ mùa cua tuyết Alaska, theo Washington Post. Nguyên nhân là số lượng loài này đã giảm hơn 80% kể từ năm 2018.

Bên cạnh hệ lụy về hệ sinh thái chưa thể lường hết của sự sụt giảm quần thể, việc hủy mùa cua tuyết cũng khiến những ngư dân sống dựa vào ngành công nghiệp này lo lắng.

Dù vậy, giới chức Alaska khẳng định họ không còn cách nào khác vì tình cảnh ngặt nghèo của loài cua tuyết. Họ “phải cân bằng những tác động (đối với ngành đánh bắt và cộng đồng) với nhu cầu bảo tồn lâu dài và sự bền vững của trữ lượng cua”, theo New York Times.

Các nhà khoa học đang gấp rút tìm hiểu nguyên nhân có thể đã gây ra hiện tượng suy giảm nói trên, với nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Nhưng trong số ấy, biến đổi khí hậu được coi là thủ phạm đáng ngờ nhất.

Nguồn gốc khủng hoảng

Điều đầu tiên cần làm rõ là việc đây không phải sự suy giảm đột ngột, Erin Fedewa, nhà sinh vật học nghiên cứu về thủy sản cho Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nói với Guardian.

“Câu chuyện của loài cua tuyết phải bắt đầu kể từ năm 2018”, bà Fedewa nói.

Năm 2018 ghi nhận số lượng cua tuyết cao bất thường, trùng với thời điểm đây là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận ở biển Bering. Năm này cũng ghi nhận một số khoảng thời gian mực băng biển ở biển Bering đã xuống thấp kỷ lục.


Số lượng cua tuyết chưa trưởng thành tại biển Bering đã giảm sâu. (Đồ họa: Guardian).

Qua năm 2019 - cũng là năm ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, khảo sát hàng năm của NOAA ở phía Đông của biển Bering cho thấy số lượng cua tuyết chưa trưởng thành đã suy giảm sâu.

Giới nghiên cứu cho rằng việc nước biển ấm hơn đã gây khó khăn cho cua tuyết con vì chúng thường sinh trưởng tại những vùng nước lạnh ở đáy biển. Những vùng nước lạnh này giữ được nhiệt độ thấp là nhờ băng biển tan chảy.

Nhiều khả năng chính việc băng biển tan nhanh hơn, cùng với nước biển ấm lên, đã đẩy nhiệt độ ở các vùng nước lạnh nói trên vượt quá ngưỡng 2 độ C cần thiết cho cua tuyết con phát triển, khiến môi trường sống của chúng bị thu hẹp.

Tới năm 2021, khảo sát của NOAA cho thấy không chỉ con non mà cua tuyết ở mọi giai đoạn phát triển đều đã giảm số lượng, bà Fedewa nói.

“Tôi nhớ khi ấy đứng trên tàu, tôi đã nhận ra có điều khác lạ. Tại một số trạm, trước kia chúng tôi có thể lấy mẫu khảo sát vài nghìn con cua thì lúc đó, chúng tôi chỉ bắt được có lẽ vài trăm con”, bà Fedewa kể lại.


Không chỉ cua tuyết non, cua tuyết trưởng thành cũng bị suy giảm. (Đồ họa: Guardian).

Tình hình ấy tiếp diễn tới năm 2022, thời điểm khảo sát cho thấy quần thể cua tuyết đã giảm xuống còn 1,9 tỷ cá thể, so với ước tính 11,7 tỷ cá thể vào năm 2018.

Số lượng cua tuyết giảm cũng đồng nghĩa với việc các loài săn mồi mất đi nguồn thức ăn. Nguồn thực phẩm ấy sẽ phải được bổ sung từ nơi khác trong hệ sinh thái, ông Darrel Mullowney, nhà khoa học nghiên cứu cua tuyết thuộc Bộ Thủy sản và Đại dương Canada, nói.

Sinh cảnh ngày một thu hẹp

Theo một giả thuyết, việc môi trường nước lạnh ở vùng đáy phía Đông biển Bering đang ngày một thu hẹp đã khiến loài cua tuyết bị sơ hở hơn trước thú săn mồi.

Giả thuyết này cho rằng trước kia, những vùng nước băng giá thích hợp với loài cua tuyết đã tạo ra vùng đệm giúp ngăn chặn những loài sinh vật săn cua kém chịu lạnh, như cá tuyết Thái Bình Dương. Nhưng khi biển Bering ấm lên, loài cá này sẽ có thể tiếp cận lãnh thổ của cua tuyết.

Nhưng giả thuyết này không thể đúng 100%, bà Fedewa nhận định, vì cá tuyết Thái Bình Dương không có khả năng ăn những cá thể cua trưởng thành có kích cỡ lớn hơn. Vì thế, giả thuyết trên chưa giải thích được sự suy giảm quần thể diện rộng của cua tuyết.

Một giả thuyết khác là việc sinh cảnh thu hẹp đã khiến cua tuyết đổ dồn vào những môi trường sống chật chội hơn, từ đó đẩy nhanh sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.

Mọi giả thuyết nói trên đều đang được các nhà nghiên cứu của NOAA tìm hiểu, bà Fedewa nói. Nhưng chúng đều có một điểm chung, đó là sự ấm lên của nước biển.

“Tất cả những cơ chế ấy đều được giải thích bằng sự thay đổi đáng kể trong nhiệt độ mà chúng ta đã chứng kiến vào năm 2018 và 2019”, bà Fedewa nói.


Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của cua tuyết. (Ảnh: Gabriel Prout).

Tác động từ đánh bắt

Một số phỏng đoán cho rằng hoạt động đánh bắt có thể cũng đã góp phần gây ra hiện tượng suy giảm số lượng cua tuyết.

Ngư dân đánh bắt cua đã bày tỏ lo ngại, đặc biệt là về việc các tàu đánh cá tầng đáy thương mại thường dùng loại lưới cào đáy biển, khiến mọi loài sinh vật đều lọt lưới.

Ngoài ra, khi mà những loài sinh vật có giá trị thương mại cao như cá tuyết đang dồn về những vùng biển ấm hơn ở phía bắc, người ta cũng lo ngại rằng các tàu cá sẽ đi theo và đánh bắt được các loài không phải mục tiêu, như cua tuyết.

“Bất cứ ngành đánh bắt nào đều có hiện tượng bắt được loài không phải mục tiêu. Vào mùa xuân, thời điểm cua tuyết lột xác, chúng rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với tàu”, bà Fedewa nói.

Sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu được tác động của đánh bắt đối với sự suy giảm của cua tuyết. Bà Fedewa cũng tin rằng đã có nhiều nguyên nhân kết hợp lại dẫn đến hiện tượng ấy.

“Qua câu chuyện của biển Bering, chúng ta có thể rút ra bài học về (sự tác động qua lại của) toàn hệ sinh thái. Rất hiếm khi chỉ có một tiến trình là nguyên nhân duy nhất đằng sau một hiện tượng”, bà Fedewa nhận định.

Cập nhật: 04/11/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video