Nọc rắn hổ chúa chứa chất kịch độc, có thể gây tê liệt thần kinh và trung tâm hô hấp của não, khiến nạn nhân chết vì ngừng thở và suy tim.
Loài động vật nhút nhát
Theo National Graphic, rắn hổ chúa có thể dài tới 5,5m, là loài rắn có nọc độc dài nhất trong họ nhà rắn.
Loài vật này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa nhiệt đới và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Chúng sống trong nhiều môi trường sống khác nhau như rừng rậm, bụi tre, đầm lầy ngập mặn, đồng cỏ trên cao và trên sông.
Rắn hổ chúa là một trong những loài rắn độc nhất hành tinh. Khác với nhiều loài rắn khác chỉ có thể trườn bò, rắn hổ chúa có thể vươn người vuông góc với mặt đất và nhìn thẳng vào mắt kẻ thù.
Khi cảm thấy gặp nguy hiểm, chúng có thể vừa nhấc bổng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất, vừa tiến về phía trước để tấn công.
Tuy nhiên, rắn hổ chúa lại là loài rất nhút nhát và sẽ tránh con người bất cứ khi nào có thể. Chúng chỉ tấn công khi bị khiêu khích hoặc giẫm vào đuôi.
Một đặc điểm khác dễ dàng nhận thấy ở rắn hổ chúa là chúng phần đầu loe ra và phát ra tiếng rít gần giống như tiếng chó gầm gừ.
Khi cảm thấy nguy hiểm, rắn hổ chúa sẽ vươn người thẳng lên và nhìn vào mắt kẻ thù. (Ảnh: Freepik).
Loài rắn trên cạn có nọc độc nhất Việt Nam
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hổ chúa là loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam.
Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc nhưng chứa nhiều độc tố thần kinh và cytotoxin. Những chất này khi tác động đến các trung tâm hô hấp ở não có thể khiến nạn nhân ngừng thở và suy tim.
Do đó, chỉ với một lần cắn, lượng nọc rắn hổ chúa tiết ra có thể đủ lớn để giết chết 20 người, thậm chí là một con voi.
Theo bác sĩ Hùng, khi bị rắn hổ chúa cắn, vị trí vết thương trên da có thể sưng nề, sau đó tiến triển nặng dần sang bọng nước. Vết cắn của rắn hổ chúa thường rất đau, vùng da xung quanh thâm lại, thường có màu tím đen. Lúc này, các mô dần chết dẫn đến hiện tượng hoại tử. Tổn thương này có thể lan rộng trong vài ngày và hình thành đường viền quanh vết cắn.
Nạn nhân có thể bị sưng và đau hạch trên hệ bạch huyết như hạch nách, bẹn khoeo, khuỷu ở vùng bị cắn.
Tình trạng liệt thường xuất hiện sau khi bị rắn cắn 3-20 giờ. Biểu hiện gồm nhiều cấp độ, từ sụp mí, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm rãi đến nặng hơn là liệt cơ hô hấp và các chi, tụt huyết áp, buồn nôn, đau bụng, suy thận cấp, thậm chí tử vong.
Tuyệt đối không buộc garô
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, những người xung quanh cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế
- Đầu tiên, nạn nhân cần được đặt nằm yên, vết cắn cần đặt thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.
- Tiếp theo, vết thương cần được rửa bằng nước sạch kèm xà phòng rồi che phủ bằng gạc mát, vải sạch để giảm đau, sưng.
- Sau đó, nạn nhân cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Trong quá trình sơ cứu cho nạn nhân, mọi người không nên buộc garô phía trên vết thương, khiến máu không thể lưu thông, gây hoại tử chi.
Việc rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc cũng được khuyến cáo không nên áp dụng vì vừa không hiệu quả, vừa gây chảy máu, lại tăng nguy cơ gây nhiễm trùng và hấp thụ nọc độc.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không chườm đá, đắp lá cây không rõ loại lên vết cắn vì có thể gây nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử.
Ngoài ra, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần theo dõi sát như một trường hợp rắn độc cắn trong ít nhất 6 giờ đầu để kịp thời xử trí.