Vì sao Alexander Đại Đế có con nhưng không ai kế vị?

Alexander Đại Đế là một vị quân vương nổi tiếng trong lịch sử thế giới. Ông chết năm 32 tuổi, để lại một đế chế vô cùng rộng lớn, nhưng lại không có người kế thừa.

Alexander Đại Đế lên ngôi trị vì vùng đất Macedonia năm ông 20 tuổi và qua đời chỉ 12 năm sau khi chinh phục một trong những đế chế lớn nhất thời cổ đại.


Alexander Đại Đế. (Ảnh: Wikimedia, tranh ghép mosaic ở Pompeii, Italia).

Trong thời gian đó, ông có con không và trong quãng thời gian quyền lực bị bỏ trống sau khi ông chết, điều gì đã xảy ra với những người thừa kế của ông?

Câu trả lời ngắn gọn là "có". Alexander có ít nhất một hoặc có thể là hai người con, cả hai đều là con trai. Một người về sau được biết đến với cái tên Alexander IV, là con của ông với người vợ tên Roxana.

Người con thứ hai, với biệt danh "Hec-quyn của Macedon", do người tình của ông là Barsine sinh ra.

Theo Giáo sư lịch sử cổ đại Ian Worthington ở Trường đại học Macquarie, Úc, Roxana là con gái của một vị thủ lĩnh ở Bactria, một vùng đất ở Trung Á. Quân lính của Alexander bắt được bà trong khi đóng doanh trại ở vùng đất này và bà trở thành vợ của ông vào khoảng năm 327 trước Công nguyên.

Nhưng Alexander không sống được đến ngày nhìn thấy mặt con trai. Khi ông chết ở Babylon vào năm 323 sau Công nguyên, bà mới đang mang thai đứa con.

Người con thứ hai, Hec-quyn của Macedon, do cô nhân tình Barsine, một nữ quý tộc Ba Tư, sinh ra vào khoảng năm 327 trước Công nguyên, tức là cậu bé này hơn đứa con chính thức của ông 4 tuổi.

Một số học giả ngày nay đặt câu hỏi liệu Alexander có thực sự là cha đẻ của đứa con ngoài hôn nhân này không, vì ông chưa bao giờ chính thức công nhận đứa trẻ là con mình. Nhưng đa số các học giả ngày nay đều cho rằng cậu bé là con đẻ của ông.

Thế nhưng vì sao 2 người con trai của ông không kế ngôi?


Roxana bế Alexander IV, bên cạnh là vị tướng Hy Lạp Eumenes - bức tranh do họa sỹ người Italia Padovanino vẽ. (Ảnh: Wikimedia).

Sau khi Alexander Đại Đế chết do một căn bệnh kỳ lạ vào năm 32 tuổi, không có ai chính thức là người kế vị cai quản đế chế hùng mạnh và rộng lớn của ông. Đế chế trải dài từ vùng Balkan đến tận Pakistan ngày nay.

Vào thời điểm đó, bà Roxana vợ ông, đang mang thai Alexander IV, và cũng chưa ai biết liệu đứa trẻ sinh ra sẽ là gái hay trai.

Hec-quyn của Macedon không phải là con hợp pháp, khiến cho việc đưa cậu bé lên ngôi trở nên khó khăn. Giáo sư Worthington nói rằng cậu bé không bao giờ được tính là đối thủ tranh giành ngôi vương vì cậu là con ngoài giá thú.

Bên cạnh đó, cả Roxana và Barsine đều có nguồn gốc châu Á, điều mà một số tướng lĩnh và quân sỹ của Alexander không ưa.

Theo nhà sử học cổ đại Quintus Curtius, cả hai người con của Alexander đều được đề xuất là người kế vị tại một cuộc họp của các tướng lĩnh và giới quý tộc, nhưng nhiều người phản đối vì cả hai đều có mẹ là người châu Á.

Người anh em cùng cha khác mẹ với Alexander Đại Đế, tên là Arrhidaeus, đã trở thành vua và Alexander IV được phong là người đồng cai trị.

Tuy nhiên, không ai trong số hai vị "vua" này có khả năng thực sự để cai trị đất nước - Giáo sư Carol King ở Trường đại học Memorial Newfoundland, Canada - cho biết.

Arrhidaeus có vấn đề về tâm thần, còn Alexander IV chỉ là một đứa trẻ sơ sinh. Kết quả là "tất cả đều trở thành những con tốt trong cuộc chiến giữa những người kế vị, những vị tướng hùng mạnh của Alexander, khi họ chiến đấu với nhau để giành quyền kiểm soát đế chế; và cả Arrhidaeus và những đứa con của Alexander đều bị sát hại".

Mẹ của Alexander Đại Đế, bà Olympias, có một quyền lực đáng kể trong cuộc tranh giành vương quyền. Năm 317 trước Công nguyên, bà đồng ý trở thành người bảo hộ của Alexander IV và với sự giúp đỡ của một đội quân dưới quyền của tướng Polyperchon, bà đã cho bắt giữ và xử tử Arrhidaeus.

Tuy nhiên, một đội quân do tướng Cassander đã tấn công, bắt giữ bà cùng với Alexander IV vào năm 316 trước Công nguyên và giết chết bà.

Alexander IV và Roxana sau đó bị tướng Cassander giam cầm. Vị tướng này đã thực sự khống chế được các đối thủ để kiểm soát Macedonia.

Ông không muốn có người tranh giành ngôi vương nên đã cho xử tử Alexander IV và Roxana vào khoảng năm 309 trước Công nguyên để đề phòng cậu thiếu niên khi đủ tuổi trưởng thành sẽ là nguy cơ cướp ngôi.

Hec-quyn của Macedon cũng không khá hơn chút nào. Tướng Polyperchon giam cầm người con không hợp pháp này của Alexander và sau khi đạt thỏa thuận với Casander, ông đã nhanh chóng cho xử tử nốt cậu bé chẳng mấy chốc sau cái chết của Alexander IV.

Cập nhật: 14/07/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video