Vì sao bất chấp nguy hiểm, con người vẫn thích xuống đáy đại dương hay ra ngoài vũ trụ?

Không màng tới nguy hiểm đến tính mạng, chi phí cao, nhiều người vẫn bị thu hút bởi những chuyến đi xuống đáy đại dương hoặc ra ngoài vũ trụ.

Một năm trước, thế giới đã dồn sự chú ý vào vùng sâu xa xôi của Bắc Đại Tây Dương khi tàu ngầm Titan, một con tàu chật chội được vận hành bởi bộ điều khiển trò chơi điện tử, mất liên lạc khi đang đi xuống xác tàu Titanic. Chỉ với nguồn cung cấp oxy trong 96 giờ, một nhiệm vụ giải cứu vội vã đã được tiến hành. Vài ngày sau, các nhà chức trách xác nhận rằng chiếc tàu lặn đã hứng chịu một “vụ nổ thảm khốc” ở độ sâu 3.800m dưới đáy biển, ngay lập tức khiến thủy thủ đoàn gồm hai người và ba hành khách, những người phải trả 250.000 USD (6,3 tỷ VND) cho chuyến đi này, thiệt mạng.

Những ai thắc mắc liệu số phận bi thảm của Titan có thể khiến chúng ta xem xét lại tương lai của du lịch mạo hiểm hay không đã nhận được câu trả lời vào cuối tháng trước, khi một tỷ phú bất động sản công bố kế hoạch chế tạo thêm một chiếc tàu lặn khác để xuống thăm Titanic. Tin này được đưa ra chỉ 9 ngày sau khi công ty công nghệ vũ trụ Blue Origin của nhà sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, thực hiện chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên kể từ khi một trong những tên lửa của ông bị cháy vào năm 2022. Sáu hành khách đã trả tới 1,25 triệu USD (31,8 tỷ VND) mỗi người cho chuyến bay với quỹ đạo kéo dài 9 phút 53 giây.


Con người từ lâu đã luôn luôn khám phá thế giới.

Tuy vậy, trước những rủi ro, chi phí và mối lo ngại về môi trường liên quan đến du lịch mạo hiểm, nhiều người vẫn đang tiếp tục đặt câu hỏi liệu du khách có nên tiếp tục đi đến rìa Trái đất - hay thậm chí xa hơn nữa hay không.

Ngành du lịch mạo hiểm đầy rẫy chi phí cao, nguy cơ cao và các biện pháp an toàn khập khiễng, ông Melvin S. Marsh, người đã trình bày bài nghiên cứu của mình,Những vấn đề nan giải về đạo đức và y tế của du lịch mạo hiểm, tại Hội nghị Quốc tế Nghiên cứu Du lịch năm nay, cho biết.

Tuy nhiên, ông Marsh và những chuyên gia khác nói rằng, họ không mong đợi điều gì sẽ thay đổi. “Không ai ngạc nhiên về những cái chết này. Bạn mặc định coi điều đó sẽ xảy ra. Rất ít người thậm chí còn để tâm đến vấn đề này”, ông nói thêm.

Trong khi đó, bất chấp tình trạng ô nhiễm cực độ, số vụ phóng tên lửa tư nhân đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019, phần lớn nhờ vào cuộc đua đang diễn ra giữa các tỷ phú Bezos, Elon Musk và Richard Branson để xem công ty tên lửa thương mại nào có thể thống trị thị trường.

Những người ủng hộ đã so sánh cuộc đua vũ trụ mới này với hành trình phát triển của du lịch hàng không. Vào thuở sơ khai, chỉ những kẻ liều lĩnh và lập dị mới dám đi máy bay, sau đó là những hành khách giàu có. Cuối cùng, ngành công nghiệp này đã phát triển đến mức việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên phổ biến và hiện là phương tiện giao thông an toàn nhất trên thế giới.

Theo bà Deana Weibel, một nhà nhân chủng học văn hóa chuyên nghiên cứu các cuộc hành hương tôn giáo và du lịch vũ trụ, sự thôi thúc khám phá những biên giới xa xôi (cho dù là vượt biển hoặc bay vào không gian) là một phần của nhân tính. Và trong khi một số người coi những chuyến du hành vũ trụ kéo dài 10 phút này như một cách khoe khoang, bà Weibel tin rằng việc chiêm ngưỡng Trái đất từ bên ngoài vào có tác động lớn đối với du khách theo hướng tích cực.

Bà Weibel, sau khi đã phỏng vấn các phi hành gia, cho biết cuộc sống của họ đã thay đổi ngay giây phút họ nhìn thấy hành tinh của chúng ta từ trên cao. “Nó buộc bạn phải nhận ra rằng hành tinh này mong manh đến mức nào và mọi thứ khác xung quanh nó đều không thể sống được”, bà nói.

Theo ông Arun Upneja, hiệu trưởng Trường Quản trị Khách sạn tại Đại học Boston (Mỹ), một cách để giải quyết các rủi ro và chi phí tiềm ẩn của du lịch mạo hiểm là yêu cầu các công ty trong lĩnh vực này phải cung cấp bảo hiểm, để họ phải chịu trách nhiệm cho những rủi ro sau một vụ tai nạn.

Nhưng ông Upneja không tin rằng những mối nguy hiểm tiềm ẩn của du lịch mạo hiểm có thể làm chậm đà phát triển của nó. Ông chỉ ra rằng giấy miễn trừ có chữ ký của hành khách Titan đã nhắc đến từ “cái chết” tới ba lần trên trang đầu tiên. Giá cả cũng sẽ không phải là một trở ngại lâu dài. “Chi phí chắc chắn sẽ giảm xuống. Mọi người đã và đang tham gia và họ sẽ tiếp tục tham gia”, ông nói thêm.

The Explorers Club là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1904 bởi các nhà thám hiểm Bắc Cực nhằm thúc đẩy khám phá và nghiên cứu khoa học. Bà Synnove Stromsvag, Chủ tịch Chi nhánh Na Uy của tổ chức và là người đứng đầu lực lượng cứu hộ nói rằng, không gì có thể ngăn cản được khao khát khám phá và vượt qua giới hạn của con người. “Loài người luôn luôn khám phá. Đó là cách chúng ta học về thế giới, về khoa học. Chúng ta không nên đánh giá thấp doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân trong việc phát triển công nghệ này”.

Cập nhật: 09/07/2024 Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video