Vì sao chúng ta thích đổ lỗi cho sao Thủy nghịch hành?

Sao Thủy nghịch hành là hiện tượng được quan sát từ thời cổ đại và gắn liền với nhiều quan niệm liên quan chiêm tinh học.

Cãi nhau với người yêu, xe hỏng, thi trượt..., đã bao giờ bạn gặp những chuyện như vậy rồi đổ lỗi cho sao Thủy - hành tinh gần nhất với Mặt trời?


Sao Thủy nghịch hành là hiện tượng sao Thủy đi lùi so với quỹ đạo thông thường. (Ảnh: Girlboss).

Khi đổ lỗi cho sao Thủy, mọi người thường đề cập đến khái niệm là sao Thủy nghịch hành, nghĩa là Sao Thủy đi lùi trong vài tuần, thường là 4 tháng mới xảy ra một lần. Hiện tại, mùa Sao Thủy nghịch hành diễn ra từ ngày 1/4 đến 25/4.

Sao Thủy đi lùi là một hiện tượng thiên văn thực tế, nhưng mối liên hệ giữa việc này với các vấn đề trên Trái đất thường bị bác bỏ và cho là ngụy khoa học.

Tuy nhiên, ở các nước phương Tây, nhiều người vẫn tin rằng Sao Thủy nắm giữ quyền lực và có thể tác động đến hoạt động của con người, theo National Geographic.

Điều gì xảy ra khi sao Thủy nghịch hành?


Hiện tượng sao Thủy nghịch hành đang diễn ra trong tháng 4/2024. (Ảnh: Glamour UK).

Thực ra sao Thủy không thực sự đi lùi so với quỹ đạo thông thường. Những chuyển động lùi mà chúng ta thấy thực ra chỉ là ảo ảnh quang học, xảy ra do các hành tinh chuyển động với tốc độ khác nhau.

Carolyn Ernst, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), giải thích hiện tượng này cũng giống như khi chúng ta lái xe trên đường cao tốc và đường có nhiều làn đi cùng một hướng.

Nếu bạn vượt một chiếc ôtô đang đi chậm ở làn đường khác, bạn sẽ có cảm giác chiếc xe này đang đi lùi so với xe bạn. Bạn thấy sao Thủy đi lùi so với Trái đất cũng là vì vấn đề tương tự.

Ở thời cổ đại, các nhà thiên văn học lấy Trái đất làm trung tâm, nên khi một hành tinh có vẻ "đi ngược" với hành tinh trung tâm, họ sẽ bắt đầu đặt ra những câu hỏi nghi vấn.

Theo nhà sử học khoa học Mathieu Ossendrijver tại Đại học Freie Berlin (Đức), những quan sát đầu tiên về sao Thủy nghịch hành được các nhà thiên văn học Babylon ghi lại vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên.

Cụ thể, các nhà thiên văn học đã khắc nhật ký thiên văn vào những tấm đất sét mô tả chi tiết chuyển động của các hành tinh, bao gồm việc sao Thủy dường như di chuyển chậm lại và "đi lùi" như thế nào.

Các nhà thiên văn học Babylon cũng tạo ra loạt công thức để dự đoán nơi các thiên thể, bao gồm sao Thủy, sẽ xuất hiện trên bầu trời.

"Họ có sự hiểu biết rất rõ ràng về những chuyển động đó", ông Ossendrijver nói.

Ông Mathieu Ossendrijver cho biết thêm rằng ở Babylon, các hành tinh và ngôi sao được coi là hiện thân của các vị thần. Vì vậy, mọi chuyện động hoặc hiện tượng liên quan hành tinh, ngôi sao đó sẽ được coi là dấu hiệu về số phận của nhà vua, đất nước.

Nhưng phải đến năm 400 trước Công nguyên, chiêm tinh về các cá nhân mới xuất hiện. Hồi đó, người Babylon tạo ra một bảng chữ hình nêm để trình bày chi tiết về chuyển động của các hành tinh.

Không may là tấm bảng diễn giải về chuyển động của sao Thủy đã thất lạc, nên chúng ta không biết người Babylon nhìn thấy những điềm báo gì khi sao Thủy nghịch hành.

"Trong ngôn ngữ của người Babylon, tên của Sao Thủy có nghĩa là 'sự thay đổi thất thường'. Sao Thủy là hành tinh chạy nhanh nhất nên đó cũng là lý do người ta nhìn thấy những điều kỳ lạ về nó khi quan sát bầu rời", ông Ossendrijver lý giải.


Từ nay đến cuối năm 2024, chúng ta sẽ đón 3 đợt Sao Thủy nghịch hành. (Ảnh: Shutterstock).

Lý do sao Thủy nghịch hành được quan tâm

Ở châu Âu thời trung cổ, nhiều người cũng cho rằng vị trí và chuyển động của các hành tinh có thể dự đoán số phận của một quốc gia, người cai trị hoặc thậm chí là tiên đoán mùa màng.

Thời đó, một người có quyền lực có thể tìm đến nhà chiêm tinh và nói rằng: "Ta muốn bao vây lâu đài hoặc tấn công kẻ thù, thời điểm nào là tốt nhất?".

Người ta cũng tin rằng sao Thủy nghịch hành sẽ cản trở việc bói toán của các nhà chiêm tinh. Nhà chiêm tinh học Nicholas Campion tại Đại học Wales Trinity Saint David (Anh) xác nhận điều này. Ông cho biết một số nhà chiêm tinh thời Trung Cổ nói họ không thể đọc bản đồ sao khi sao Thủy nghịch hành.

Từ thế kỷ 12, chiêm tinh học trở nên phổ biến hơn ở châu Âu và thu hút nhiều người tìm hiểu nhờ sự ra đời của máy in cơ học. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong vòng vài thế kỷ, có thể do sự tác động của các yếu tố chính trị, văn hóa và khoa học.

Đến năm 1700, việc tư vấn chiêm tinh gần như biến mất khỏi châu Âu. Chiêm tinh học chỉ tồn tại trong việc xuất bản các niên giám hàng tháng hoặc hàng năm.

Vào khoảng những năm 1920, chiêm tinh học bắt đầu trở lại với việc dự đoán về 12 cung hoàng đạo. Riêng khái niệm sao Thủy nghịch hành phổ biến hơn trong 5 năm gần đây.

Nhà chiêm tinh học, tiến sĩ Tâm lý học Jennifer Freed cho biết nghịch hành là một khái niệm hơi ngoài lề so với cung hoàng đạo. Do đó, nó có thể thu hút những người mới làm quen với chiêm tinh học. Nghịch hành cũng gắn với trải niệm của mỗi người nên sẽ khá gần gũi.

Do tốc độ quay nhanh, Sao Thủy nghịch hành nhiều lần trong một năm khi quan sát từ Trái đất. Sau đợt nghịch hành từ 1/4 đến 25/4, hành tinh này tiếp tục đi lùi từ ngày 5 đến ngày 28/8 và tiếp đó là từ ngày 25/11 đến 15/12.

Cập nhật: 17/04/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video