Vì sao có hơn 20 triệu tấn vàng trong nước biển nhưng con người không thể khai thác?

Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng đại dương chứa đầy vàng, vấn đề là làm thế nào để khai thác chúng.

Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để tìm ra cách lấy vàng từ đại dương. Theo National Ocean Service, các đại dương trên Trái đất chứa khoảng 20 triệu tấn vàng. Thứ kim loại quý này vẫn lơ lửng trong nước biển. Nhưng điều đáng nói tỷ lệ vàng trong nước biển chiếm rất ít.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: "Mỗi lít nước biển trung bình chứa khoảng 13 phần tỷ gam vàng". Ngoài ra còn có các mỏ vàng dưới đáy biển, nhưng việc khai thác chúng vượt xa khả năng hiện tại của chúng ta.

Tuy nhiên sức hấp dẫn của vàng vẫn khiến nhiều người tìm cách khai thác. Kể từ khi nhà hóa học người Anh Edward Sonstadt phát hiện ra có vàng trong nước biển vào năm 1872, đã có nhiều cuộc nghiên cứu nổ ra.

Lần đầu tiên "hút vàng từ biển" nhưng chỉ là cú lừa

Cuộc khai thác vàng trên đại dương diễn ra vào những năm 1890. Tuy nhiên tất cả chỉ là một trò lừa bịp. Vụ lừa đảo bắt đầu khi Prescott Ford Jernegan ở New England, Mỹ tuyên bố đã phát minh ra "Gold Accumulator". Cụ thể, ông cho biết mình có thể hút vàng từ nước biển thông qua một quy trình có thủy ngân và điện được xử lý đặc biệt.

Jernegan cùng với người bạn thời thơ ấu là Charles Fisher, thành lập Công ty Electrolytic Marine Salts. Họ thậm chí đã tìm được một số nhà đầu tư tiềm năng, và đi vào hoạt động.

Những người này tuyên bố rằng: "có đủ vàng ở vùng biển Long Island Sound để trả nợ và để lại lượng vàng dự trữ lớn hơn trong Kho bạc mà Chính phủ chưa sở hữu". Theo Hiệp hội Lịch sử New England, vào năm 1898, Electrolytic Marine Salts đã thu về khoảng 1 triệu USD tiền mặt của nhà đầu tư.


Thứ kim loại quý này vẫn lơ lửng trong nước biển. (Ảnh: Grunge)

Công ty đã mở một nhà máy khai thác vàng ở Lubec, Maine (Mỹ) xa xôi để tránh bị kiểm tra. Họ miệt mài tìm vàng trong nước biển. Nhà máy thứ hai được mở ra với hy vọng rằng Lubec có thể được biến thành một thị trấn bùng nổ đào vàng.

Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1898, mọi thứ sụp đổ, cả Jernegan và Fisher đều biến mất. Theo The New York Times, Jernegen đã lấy đi 80.000 USD. Kết quả là những chiếc bình tích điện hóa ra không khác gì chiếc ấm được thổi phồng.

Khi trò lừa bịp bị phanh phui, hàng trăm người đến Lubec để làm việc đã ngay lập tức thất nghiệp, nhà máy đóng cửa và các nhà đầu tư hết sạch tiền. Jernegan trốn đến châu Âu cùng gia đình, và tìm cách thoát khỏi thời gian ngồi tù, trong khi Fisher thì "bặt vô âm tín".

Trò lừa đảo kinh điển này đã làm nhiều người "vỡ mộng" tìm vàng trong nước biển. Song, nó vẫn không thể ngăn người ta tò mò về cách khai thác thứ kim loại đắt đỏ này.

100 triệu tấn nước biển mới tạo ra 1 gam vàng

Năm 1900, nhà phát minh Henry Clay Bull ở London đã nộp bằng sáng chế cho "Phương pháp chiết xuất vàng từ nước biển".

Vào những năm 1920, nhà phát triển vũ khí hóa học người Đức và người đoạt giải Nobel, Fritz Haber đã tìm cách phát triển một quy trình lấy vàng từ biển. Haber và một nhóm các nhà khoa học dành nhiều năm để cố gắng hoàn thiện một phương pháp khai thác liên quan đến lực ly tâm và điện hóa học.

Không lâu sau, họ nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm trong các tính toán ban đầu đã đánh giá quá cao sản lượng vàng tiềm năng. Dự án bị đổ bể. Haber và nhóm của ông đã phát hiện ra một lỗ hổng lớn: Việc lấy vàng ra sẽ tốn nhiều tiền hơn so với giá trị mà chúng mang lại.

Một bài báo xuất hiện trên tờ Times vào năm 1941, nói rằng giáo sư Colin Fink của Columbia đã phát triển một phương pháp lấy vàng từ nước biển. Ông thậm chí đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho quy trình của mình vào năm 1942. Bài báo đề cập rằng Willard Dow, đã từ bỏ công cuộc tìm kiếm vàng trong nước biển của mình "sau khi thu hồi được không quá một đầu kim loại vàng từ một tấn nước biển".

Khi quá trình phân tích hóa học được cải thiện trong suốt thế kỷ 20, lượng vàng cực nhỏ trong nước biển được xác định chính xác hơn. Từ đó, ước mơ khai thác vàng từ nước biển dần lụi tàn. Năm 1990, New Scientist đã chia sẻ một nghiên cứu xác định rằng biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương chứa "1 gam vàng cho mỗi 100 triệu tấn nước biển".


Trong 100 triệu tấn nước mới mới có 1 gam vàng. (Ảnh: The Motley Fool).

Việc xác định giá trị cụ thể của khối lượng lớn như vậy rất khó, hơn nữa, giá vàng cũng thay đổi liên tục. Tuy nhiên, theo một ước tính vào giữa tháng 5/2023, một tấn vàng có thể trị giá hơn 57.000.000 USD. Với mức này, vàng trong các vùng biển trên thế giới sẽ trị giá hơn 1,14 triệu tỷ USD.

Con số trên nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng việc khai thác không hề đơn giản. Vàng cực kỳ loãng trong đại dương rộng lớn. Do đó, một bể bơi Olympic cũng chỉ chứa một lượng vàng ít ỏi.

Hiện tại, không có cách nào hiệu quả về chi phí để khai thác vàng từ đại dương và kiếm lợi. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature năm 1941 trình bày một "phương pháp điện hóa" nhằm chiết xuất vàng từ nước biển. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình này lại đắt gấp 5 lần giá trị của số vàng thu được.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Journal of the American Chemical Society năm 2018 mô tả một vật liệu có thể hoạt động như bọt biển, giúp nhanh chóng chiết xuất một lượng vàng nhỏ từ nước biển, nước ngọt, thậm chí từ bùn thải.

Phương pháp này được cho là có thể hút 934 milligram vàng chất lượng tốt chỉ trong hai phút. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đến mức đủ để mang lại lợi nhuận vẫn cực kỳ khó. Hiện tại, công nghệ này chỉ được phát triển như một biện pháp để thu hồi lượng nhỏ vàng bị mất trong quá trình sản xuất.

Một khía cạnh khác cần quan tâm là tác động tiềm ẩn đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Giới chuyên gia chưa rõ chính xác việc khai thác vàng từ biển quy mô lớn sẽ như thế nào, nhưng nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường biển. Việc khai thác kim loại hiếm dưới đáy biển sâu đã được triển khai và có khả năng gây hại nghiêm trọng.

Cập nhật: 29/10/2024 PNVN/VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video