Một số tình trạng bệnh phổ biến có thể là nguyên nhân gây hội chứng "nhanh no" và "chóng đói".
Theo Medical News Today, khi một người ăn, các thụ thể thần kinh bên trong dạ dày sẽ cảm nhận được khi nào dạ dày đã no. Những thụ thể này sau đó sẽ gửi tín hiệu đến não, mà não diễn giải cảm giác no. Điều này giúp ngăn ngừa ăn quá nhiều.
Những tình trạng bệnh có thể gây hai hội chứng về ăn uống đối nghịch nhau. (Ảnh: Diabetes UK).
Cảm giác nhanh no
Tuy nhiên, cảm giác no sớm (early satiety) khiến não phát tín hiệu "đã no" dù chỉ ăn ít. Điều này có thể khiến người mắc tình trạng này không ăn đủ khẩu phần khuyến nghị trong ngày, dẫn đến thiếu dinh dưỡng và các biến chứng sức khỏe liên quan.
Theo Đại học Y khoa Nam Carolina (Mỹ), một trong những nguyên nhân phổ biến khiến một người nhanh no là chứng liệt dạ dày - khiến thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường. Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông tin liệt dạ dày thường bắt nguồn từ bệnh tiểu đường, khi bệnh có thể gây tổn thương các dây thần kinh liên quan đến dạ dày.
Những nguyên nhân khác có thể bao gồm: viêm loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tắc nghẽn đường ra dạ dày, táo bón, hội chứng ruột kích thích.
Điều trị chứng "nhanh no" sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Song, bác sĩ có thể khuyến cáo những phương pháp chung, bao gồm ăn nhiều bữa nhỏ, ăn thực phẩm xay nhuyễn, ăn ít chất xơ và chất béo, dùng thuốc để giảm khó chịu ở dạ dày, sử dụng những chất giúp kích thích thèm ăn.
Ăn bao nhiêu vẫn thấy đói
Một số trường hợp mang cảm giác no mặc dù chưa ăn được nhiều. (Ảnh: Tasting Table).
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, có những người mắc chứng "ăn không biết no" hay chứng cuồng ăn (Hyperphagia).
Trái với cảm giác thèm ăn sau khi vận động là điều bình thường, chứng cuồng ăn sẽ không mất đi ngay cả khi ăn nhiều. Do đó, cần giải quyết gốc rễ của tình trạng này để tránh mắc các vấn đề sức khỏe, theo Healthline.
Chứng cuồng ăn có thể bắt nguồn từ tình trạng như hạ đường huyết, hội chứng tiền kinh nguyệt hay bệnh cường giáp. Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá nhanh. Tuyến giáp tạo ra các hormone kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm kiểm soát quá trình trao đổi chất. Do đó, cảm giác thèm ăn có thể tăng lên tuyến giáp sản sinh nhiều hormone.
Ngoài ra, khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn hormone cortisol gây cảm giác thèm ăn. Việc đói bất thường cũng có thể là phản ứng cảm xúc. Lúc này, một người sẽ lạm dụng thức ăn để xua đi những cảm xúc tiêu cực.
Dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cũng là điều cần lưu ý. Ăn nhiều tinh bột và chất béo như đồ ăn nhanh sẽ khiến cơ thể nhanh đói, do không đủ chất dinh dưỡng. Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn kèm rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và cá để đảm bảo dinh dưỡng và tránh tình trạng nhanh đói.
Điều trị chứng cuồng ăn thường tập trung vào việc giải quyết những nguyên nhân gây bệnh như tiểu đường, bệnh cường giáp - có thể điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, chúng ta nên duy trì chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục cũng sẽ giúp kiểm soát cơn đói. Nếu mắc chứng cuồng ăn đến từ nguyên nhân tâm lý, các chuyên gia khuyến cáo nên tham vấn chuyên gia tâm thần để được tư vấn phù hợp.