Vì sao con người cần lai tạo với "sinh vật bất tử" nếu muốn sống trên sao Hỏa?

Theo tiết lộ của các chuyên gia sinh học, những tế bào được lai ghép với ADN của sinh vật được mệnh danh "quái vật bất tử" có khả năng chống chọi với bức xạ vũ trụ tốt hơn nhiều so với tế bào của người bình thường.

Để có thể đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030 theo như kế hoạch của NASA, các phi hành gia thực hiện nhiệm vụ sẽ phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe.

Trong sứ mệnh thám hiểm hành tinh Đỏ dài ít nhất 900 ngày, phi hành gia sẽ ra khỏi lá chắn bảo vệ của từ trường Trái đất, bị phơi nhiễm phóng xạ từ tia vũ trụ sinh ra trong các vụ nổ sao hay siêu tân tinh. Đồng thời, họ cũng sẽ gặp phải hội chứng thoái hóa xương, vốn khiến xương các phi hành gia trở nên yếu đi sau thời gian dài sống trong môi trường không trọng lực.

Bất chấp những nguy cơ nói trên, các phi hành gia vẫn có thể quay trở lại Trái đất "một cách toàn vẹn", theo như khẳng định từ NASA.


Nếu muốn tồn tại trên sao Hỏa, loài người có thể sẽ phải chỉnh sửa ADN.

Tuy nhiên, với những người được giao nhiệm vụ định cư trên sao Hỏa, đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu loài người muốn sống khỏe mạnh trong một thời dài trên sao Hỏa hay bất kỳ hành tinh nào khác ngoài Trái đất, chúng ta có thể cần phải tự biến mình thành những "dị nhân". Đây là khẳng định từ các chuyên gia về sinh vật học tại buổi hội thảo về những thách thức loài người có thể gặp phải trong quá trình định cư ngoài không gian, vốn vừa được tổ chức mới đây tại New York.

Theo đó, kĩ thuật di truyền và những công nghệ chỉnh sửa gene tiên tiến khác "có thể sẽ được sử dụng nếu loài người muốn sống, làm việc và phát triển trên sao Hỏa", theo khẳng định của Kennda Lynch, chuyên gia sinh vật học và địa chất học tại Viện nghiên cứu Houston (Mỹ).

Không phải chuyện viễn tưởng

Về cơ bản, việc chỉnh sửa gene để tạo ra "siêu năng lực’’ không chỉ tồn tại trong những bộ phim hay truyện viễn tưởng. Trên thực tế, các nhà khoa học đã và đang thực hiện điều này ngay ngoài đời. Chẳng hạn, ADN của Tardigrades (bọ gấu nước) đã được các nhà khoa học thử đưa vào bên trong tế bào con người trong phòng thí nghiệm.

Khác với các sinh vật khác trên Trái đất, Tardigrades khi xuất hiện vào 500 triệu năm trước đã không bị quá trình tiến hóa biến đổi. Nó cũng được coi là một sinh vật bất tử, khi không một điều kiện sống khắc nghiệt nào có thể giết nổi nó. Ngoài việc sống được ở bất kỳ nơi nào trên Trái đất, Tardigrades còn được chứng minh là sống được trong môi trường chân không, hay thậm chí cả những nơi có bức xạ khắc nghiệt nhất như Mặt Trăng.


Bọ gấu nước (Tardigrades) được mệnh danh là "quái vật bất tử".

"Bọ gấu nước và những vi khuẩn cực trị (sinh vật hữu cơ hiếu khí sống ở những điều kiện đặc biệt khắc nghiệt- NV) như vi khuẩn kháng phóng xạ Deinococcus radiodurans sở hữu những đặc tính sinh học thật sự đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể tận dụng những đặc tính này của một trong số chúng", chuyên gia Christopher Mason, phó giáo sư di truyền học nổi tiếng tại Đại học Weill Cornell (New York, Mỹ) cho biết.

Đáng chú ý, việc đem ADN của Tardigrades lai ghép với tế bào con người mang lại những kết quả thật đáng kinh ngạc. Theo tiết lộ của chuyên gia Christopher Mason, những tế bào đã được chỉnh sửa có khả năng chống chọi với bức xạ vũ trụ tốt hơn nhiều so với tế bào của người bình thường.

Mở ra cơ hội mới cho nhân loại

Việc "mượn tạm" những đặc tính sinh học nói trên không chỉ cho phép con người định cư trên sao Hỏa. Thậm chí, nó còn mở ra cho chúng ta cơ hội khám phá những thế giới có khí hậu khắc nghiệt hơn trong Thái Dương Hệ.

Chẳng hạn, việc định cư trên bề mặt vệ tinh Europa của sao Mộc tiềm ẩn rất nhiều khó khăn và rủi ro. Một vấn đề rất nghiêm trọng là cường độ bức xạ rất mạnh phát ra từ vành đai bức xạ sao Mộc, mạnh hơn vành đai bức xạ Van Allen của Trái đất 10 lần. Con người không thể sống trên bề mặt hay gần bề mặt của Europa nếu không có những quần áo bảo hộ chống bức xạ đặc biệt. Một vấn đề khác là nhiệt độ cực lạnh trên bề mặt Europa (khoảng -170 độ c).


Với những đại dương khổng lồ nằm dưới lớp băng tuyết siêu dày, vệ tinh Europa được coi là một những nơi phù hợp nhất cho con người cư ngụ trong tương lai.

"Nếu chúng ta tới được đó, sẽ xảy ra các trường hợp cơ thể phi hành gia bị "nướng chín" hoàn toàn bởi lượng bức xạ tỏa ra từ sao Mộc là quá lớn", chuyên gia Mason cho biết". "Họ sẽ cầm chắc cái chết, trừ khi chúng ta thực hiện một biện pháp bảo vệ nào đó, bao gồm việc trang bị các lớp lá chắn chống bức xạ nhiều nhất có thể".

Trong khi đó, việc áp dụng kĩ thuật di truyền sẽ khiến chuyến du hành tới Europa, vốn được coi là một những nơi phù hợp nhất cho con người cư ngụ trong tương lai, trở nên khả thi hơn.

Đáng chú ý, việc áp dụng các kĩ thuật di truyền, chỉnh sửa gene chắc chắn sẽ không chỉ giới hạn với phi hành gia và những người sẽ định cư trên sao Hỏa. Những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực sinh học tổng hợp sẽ mở ra một chương mới, khi những loại vi khuẩn "đã được chỉnh sửa, thiết kế đặc biệt" sẽ giúp con người xây dựng nơi định cư trên Hành tinh Đỏ, theo chuyên gia Kennda Lynch.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tính tới việc sử dụng những loại vi khuẩn đã được biến đổi ADN nhằm cải tạo sao Hỏa, biến môi trường sống nơi đây bớt khắc nghiệt và thích hợp hơn với con người.

Cập nhật: 28/05/2020 Theo GameK
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video