Vì sao cúng ông Công ông Táo lại chỉ thả cá chép?

Tại sao lễ cúng ông Công ông Táo phải có cá chép?

Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Loài vật này sẽ hóa rồng, đưa ông Táo về trời và đem lại thành công, thịnh vượng cho gia chủ. Vậy tại sao lại chỉ thả cá chép mà không phải con vật nào khác?

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm là mọi gia đình làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua trình báo với Ngọc Hoàng. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.


Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng.

Trước những thắc mắc của nhiều người rằng, tại sao cúng ông Công ông Táo mọi người đều lựa chọn cá chép để thả? Có thể thay bằng con vật khác hay không? PV đã tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa.

Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: "Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được.

Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là lên gần trời hơn một chút, phải qua những ghềnh thác cao. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở. Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vần vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ 3 thì toàn thân cá chép hóa thành rồng".

Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Hào Hùng nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo: "Cá chép là phương tiện đi lại duy nhất không thể thay thế để Táo quân về trời. Do đó, không thể thay cá chép bằng con vật khác. Huống hồ cá chép đã trở thành biểu tượng của văn hóa: Cá hóa long (hóa rồng), cá vượt vũ môn (tôn vinh sự học thành đạt), thể hiện sự từ bi của người Việt (phóng sinh) đẹp như thế dễ gì thay được".

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Còn theo chia sẻ của GS.TS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam), Tết ông Công ông Táo là một Tết riêng, nhưng thực chất nó lại mở đầu cho Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm, ông Công ông Táo ở trong mỗi gian bếp của gia đình, do đó những việc tốt, xấu, hòa thuận hay không của gia đình đó ông Công ông Táo đều nắm rõ.

Giáo sư Đức Thịnh cho rằng ý nghĩa giáo dục của ngày này là mọi người sống như nào để khi Táo quân về chầu trời sẽ nói những điều tốt đẹp về gia đình đó. Từ đó các quan thần linh thổ địa sẽ phù hộ cho gia chủ.

Cũng theo sách Việt Nam phong tục, người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời, có nơi gọi là "Tết ông Công". Lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng cá này hóa rồng, đưa ông Táo về trời.

Chính vì thế, theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình. Nhiều gia đình thường lựa chọn sông, suối, hồ nước gần nhà để thả cá. Tuy nhiên, thả cá thế nào cho đúng ý nghĩa cũng là vấn đề được mọi người lưu tâm.


Ông Nguyễn Hào Hùng cho biết, không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo.

Cùng vấn đề trên, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho biết: "Trong những năm qua, việc thả cá chép được nhiều phương tiện truyền thông phản ánh như có người quăng cá, ném cá có cả túi nilon xuống nước như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn sai ý nghĩa với phong tục cổ truyền thiêng liêng".

Theo ông Mai Văn Sinh, thả cá chép trong ngày cúng ông Công ông Táo, mọi người nên thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá có cơ hội sống, đó cũng là hành động thể hiện sự thành kính, thiêng liêng, mang lại những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.

Cách chọn cá chép chuẩn nhất để cúng ông Công, ông Táo

Thật ra, việc cúng là tùy tâm, con số bao nhiêu không phải là bắt buộc mà tùy vào quan niệm, niềm tin của mỗi gia đình. Có người cho rằng việc cúng cá chép cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, một con cũng được, không có cá chép sống thì đĩa xôi mang hình cá chép, hay dùng cá chép bằng vàng mã cũng được. Có gia đình thường cúng một đôi vì thích sự cân đối, cân bằng.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm "chuẩn" theo truyền thuyết về sự tích ông Công ông Táo thì mua 3 con cá chép là phù hợp nhất. Phần lớn những gia đình duy trì tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp đều mua 3 con, dành cho 3 vị Táo quân.

Nên chọn cá chép giấy hay cá chép sống?

Nếu đã cúng cá chép giấy thì thôi cá chép sống và ngược lại. Cá chép sống dùng để cúng ông Công, ông Táo thường được chọn mua là cá chép đỏ.

Sau khi mua về nhà, nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm 1 cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Khi cúng bát (chậu) cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng.

Chọn cá chép khỏe mạnh, đẹp thế nào?

Những con cá để dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được. Để thử độ khỏe mạnh của cá, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.

Nếu kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra, nếu mang cá đỏ tươi nghĩa là đó là cá khỏe mạnh. Nếu mang cá màu đỏ thâm thì đó là con cá yếu, chỉ để một thời gian ngắn có thể chết.


Khi đi phóng sinh cá các bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm.

Lưu ý khi phóng sinh cá chép, hóa vàng ngày ông Công ông Táo

Khi đi phóng sinh cá các bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Cũng trong ngày lễ ông Công ông Táo đã xảy ra không ít vụ hỏa hoạn do người dân đốt vàng mã khi cúng lễ. Nhiều người dân cũng không may bị trượt chân ngã xuống sông, hồ khi đi thả cá chép, dẫn đến tử vong.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, việc cúng lễ trước hết phải thành tâm và hiểu biết. Từ ngày lễ mang truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhiều người đã hiểu sai, hoặc lạm dụng để cúng lễ rình rang quá mức. Có người đi “săn lùng” cá chép vàng, chép đỏ quý hiếm, nghĩ rằng lễ vật càng lớn, càng đắt tiền sẽ được thần linh phù hộ nhiều hơn. Với suy nghĩ đó, cứ gần đến dịp 23 tháng Chạp, trên thị trường, các mặt hàng liên quan đến lễ cúng ông Công, ông Táo lại tăng giá chóng mặt.

GS Trần Lâm Biền đưa ra lời khuyên, việc cúng lễ trước hết phải thành tâm. Nếu gia đình nào gần nơi có thể thả cá thì hẵng làm thủ tục phóng sinh cá xuống nước. Còn nếu không, thì nên cúng tượng trưng, không nên bắt chước, chạy đua theo phong trào, tránh rước họa vào thân.

Cập nhật: 27/01/2025 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video