Nghi lễ cúng ông Công ông Táo

  •   3,67
  • 28.444

Cúng ông công ông táo là một nghi lễ truyền thống của người Việt Nam thường được tiến hành trước 12h ngày 23 tháng chạp. Tại sao lại như vậy và lễ cúng ông công ông táo cần chuẩn bị những gì?

Chúng ta có thể cúng trong ngày 23 hoặc nếu vì lý do thời gian có thể làm từ 21 đến 23 tháng Chạp.
Chúng ta có thể cúng trong ngày 23 hoặc nếu vì lý do thời gian có thể làm từ 21 đến 23 tháng Chạp.

Đồ cúng, đồ lễ

Thông thường đồ cúng, đồ lễ chỉ đơn giản là bánh, kẹo và nước trà, với mong muốn Táo công "ngọt giọng", nói những điều hay. Không cần thiết làm cả mâm cỗ và nếu làm cỗ mặn cũng không được đặt lên ban thờ, mà đặt ở cái bàn con bên dưới.

Lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường có 3 chiếc mũ ông công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo. Trên thực tế cũng không cần thiết phải dùng đồ vàng mã này, bạn không sắm cũng không sao.

Nhiều gia đình có trẻ con, người ta cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực, thông minh và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc hay cúng con cá chép (hay cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời. Sau khi cúng sẽ phóng sinh cá ra ao hồ hay ra sông. Nhiều nơi không hiểu, dùng cá rán để cúng là không phải. Đặc biệt, người dân cũng không nên theo trào lưu phóng sinh mà mua cả chậu cá, thả cua, ốc, rùa.

Cá chép để cúng ông Táo thường là cá chép đỏ. Khi chọn cá bạn nên chọn những chú cá còn khỏe mạnh. Để kiểm tra thì khi chạm tay vào mặt nước thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh là đạt. Khi mang cá về nhà bạn cần thả vào một chậu hoặc bát nước sạch, lưu ý không dùng tay vớt cá nhiều lần từ chỗ này sang chỗ khác. Khi mang cá đi thả ở ao, hồ, sông, suối thì nên chọn nơi nước chưa bị ô nhiễm. Lưu ý, lúc thả cá thì phải xuống tận mép nước để thả chứ tuyệt đối không đứng từ cao ném hay hất cá xuống.

Tại miền Trung, người dân cúng thêm một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.

Ở miền Nam thì chỉ cúng mũ, áo và đôi hài bằng giấy.

Ngày nay nhiều gia đình thường làm mâm cỗ tươm tất trong ngày Tết ông Táo.
Ngày nay nhiều gia đình thường làm mâm cỗ tươm tất trong ngày Tết ông Táo. (Ảnh: Hoàng Hà)

Màu sắc của mũ, áo và hia cúng ông Táo cũng thay đổi theo từng năm phụ thuộc vào ngũ hành như sau:

  • Năm hành kim sẽ cúng mũ, áo và hia màu vàng
  • Năm hành mộc sẽ cúng mũ, áo và hia màu trắng
  • Năm hành thủy sẽ cúng mũ, áo và hia màu xanh
  • Năm hành hỏa sẽ cúng mũ, áo và hia màu đỏ
  • Năm hành thổ sẽ cúng mũ, áo và hia màu đen

Vị trí đặt đồ lễ

Thường làm lễ ngay ở ban thờ thần linh gia tiên, chứ không nên đặt đồ lễ ở ban thờ Phật hoặc lập riêng ban thờ Táo quân. Một số nơi, nhất là miền Nam có xu hướng lập ban thờ Táo quân riêng ở bếp. Đây là điều không cần thiết và không nên vì trong một nhà thờ nhiều thần linh sẽ hay xảy ra tranh cãi, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, con cái khó bảo hoặc gây ra những trục trặc khác về tình cảm, tình duyên. Khi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa và mang cá đi phóng sinh.

Thời gian

Dân gian cho rằng bắt buộc phải làm lễ cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để ông Táo kịp báo cáo. Điều này là không phải vì thực tế theo truyền thuyết đến tối ông Táo mới lên trời. Chúng ta có thể cúng trong ngày 23 hoặc nếu vì lý do thời gian có thể làm từ 21 đến 23 tháng Chạp.

Chú ý: Khi khấn ông Công, ông Táo đa phần không cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ, mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.

Giờ đẹp cúng ông Công ông Táo năm 2024:

Ngày 23 tháng Chạp (tức 02/02/2024 Dương lịch): Ngày Ất Sửu, thuộc hoàng đạo Kim Đường. Các khung giờ đẹp gồm Dần (3h - 5h), Mão (5h - 7h), Tỵ (9h - 11h), Thân (15h - 17h), Tuất (19h - 21h), Hợi (21h - 23h).

Những điều cần tránh khi cúng ông Công ông Táo

Về thời điểm làm lễ cúng ông Công ông Táo, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng, các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức 20 tháng 12 dương lịch) đến 23 tháng Chạp.

Đồng thời không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.

Ngoài ra cần lưu ý người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.

Những năm gần đây, nhiều gia đình thường mua cá chép trong ngày lễ ông Công ông Táo rồi phóng sinh ra ao, hồ. Một lưu ý là không nên mua cá chép về rồi thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết. Nếu phóng sinh cá chép phải chọn môi trường sạch để cá dễ dàng sống được

Văn khấn ông Công ông Táo 2024

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Xin giới thiệu bài cúng ông Công ông Táo phổ biến.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nguyễn Mạnh Linh
Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc
Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị - ĐHXD

Cập nhật: 02/02/2024 Tổng Hợp
  • 3,67
  • 28.444