Vì sao Đấu trường La Mã dù bị khuyết một phần và hỏng hóc vẫn đứng "sừng sững"?

Cụ thể, một bên khán đài cổ cao hơn hẳn bên kia, nhưng những mảng tường và mái còn lại nhìn rất thẳng thớm, mượt mà khiến nhiều người nghĩ rằng có thể người ta đã cố tình thiết kế cho nó có cấu trúc bất cân xứng như vậy.

Sự thật thì khác. Lúc mới xây, công trình lớn nhất đế chế cổ đại này từng tròn đều và nguyên vẹn, với phần khán đài và các cột trụ đồng nhất ở một độ cao. Vậy tại sao nó lại có hình dáng khiếm khuyết như hiện nay?

Vẫn biết thời gian có thể bào mòn mọi dấu tích của nền văn minh, nhưng chỉ sương gió, thời tiết không thôi là chưa đủ để hạ gục và tàn phá kỳ quan 20 thế kỷ này đến vậy.


Đấu trường này đã có khoảng 500 năm làm nơi "ăn chơi, hưởng lạc" của tầng lớp thống trị.

Mặc dù hiện đang đón nhiều du khách hàng năm hơn cả Đài phun nước Trevi và Nhà nguyện Sistine cộng lại, biểu tượng cho "Bánh mì và rạp xiếc" của đế quốc La Mã đã bị bỏ bê nghiêm trọng trong một thiên niên kỷ rưỡi sau khi nó được sử dụng làm đấu trường. Được xây từ năm 80 Sau Công nguyên, Colosseum đã có khoảng 500 năm làm nơi "ăn chơi, hưởng lạc" của tầng lớp thống trị.

Theo các nhà khảo cổ học, công trình quan trọng bậc nhất thành Rome này đã trở nên hoang phế suốt 1.500 năm sau đó và được tái sử dụng với hàng tá mục đích khác nhau. Đáng chú ý, nó còn bị trưng dụng làm một "mỏ đá" từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Suốt khoảng thời gian đó, tác động của con người đã phá hủy khá nhiều.

Trong thời trung cổ, từng mảng vật liệu bao gồm đá cẩm thạch, những chiếc ghế hay bức tượng dần bị "tước đoạt" cho việc xây dựng các công trình khác. Nghiêm trọng nhất là việc dỡ bỏ những kẹp sắt ổn định mặt tiền hình vòm của cả công trình. Suốt thời kỳ này, khoảng 300 tấn sắt đã bị mang đi, khiến toàn bộ cấu trúc đá trở nên suy yếu và nhạy cảm trước động đất.

Ý là một quốc gia đặc biệt nhạy cảm với các trận động đất. Và mặc dù Colosseum đã bị phá hủy bởi nhiều thiên tai khác nhau kể cả từ khi nó còn ở thời kỳ hoàng kim, lần để lại hậu quả lớn nhất diễn ra vào năm 1349. Trận động đất này làm sập toàn bộ phần vòng ngoài phía Nam của đấu trường mà dấu tích vẫn còn đến ngày nay.

Suốt các thế kỷ sau đó, nhiều tấn đá vật liệu của công trình tiếp tục bị đào xới và "trưng dụng" cho nhiều lăng mộ, nhà thờ khắp Vatican và Rome.


Ảnh mô phỏng Đấu trường La Mã xưa và nay.

Cuối cùng, vào thế kỷ 18, Giáo hoàng Benedict XIV đã chấm dứt việc cướp phá đấu trường khi di tích được tuyên bố là một nhà thờ công cộng. Kể từ thời điểm này trở đi, các vị giáo hoàng kế tiếp khôi phục các khu vực và 2 vị kiến trúc sư được thuê để củng cố các vòng ngoài gần như sắp sụp đổ.

Vào năm 1820, kiến trúc sư Raffaele Stern đã hoàn thành việc gia cố các mái vòm còn lại ở phía Tây Bắc. Năm 1826, Giuseppe Valadier tiếp tục xây dựng một trụ cầu gắn kết thẩm mỹ hơn ở phía đối diện, gần lối vào chính ngày nay. Quá trình tu bổ và sửa chữa diễn ra nhiều năm sau đó, khôi phục công trình về hình dạng ngày nay.

Gần 2.000 năm sau khi được xây dựng, Đấu trường La Mã vẫn đứng sừng sững trước thử thách của thời gian. Bị tàn phá bởi sương gió, động đất, hỏa hoạn, cướp bóc và phá hoại; thật may là nhân loại vẫn còn một bằng chứng hùng hồn về tài năng kết cấu và kiến trúc của một trong những nền văn minh cổ vĩ đại nhất.

Cập nhật: 19/01/2024 Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video