Vì sao đèn trời từ Myanmar có thể xuyên qua không phận nhiều nước?

Một ngày sau khi chính quyền xã tại tỉnh Phú Thọ phát hiện vật thể giống đèn trời rơi tại địa phương, nhiều thông tin trên mạng xã hội đã hé lộ nguồn gốc của vật thể này.

Sáng 4/1, chính quyền huyện Thanh Ba (Phú Thọ) công bố bức thư gắn kèm chiếc khí cầu. Nội dung bức thư củng cố thông tin đèn trời bay từ nước ngoài vào Việt Nam.

Chia sẻ với PV sau khi đọc nội dung bức thư, anh Zwe Oak Soe (cây viết của diễn đàn trực tuyến Mohinga Matters, Myanmar), cho biết bức thư nói rằng chiếc đèn trời được 12 người thả từ làng Kong Ka Lay, bang Kayin, Myanmar, nhân kỷ niệm Ngày Tết của người Karen (2/1/2022).


Bức thư được tìm thấy bên trong chiếc đèn trời.

Tên riêng của 12 người được viết bên dưới phần giới thiệu. Cuối thư, nhóm người này nhắn nhủ chiếc đèn trời sẽ hạ ở nơi không xác định, các chủ nhân của chiếc đèn muốn biết nơi nó hạ xuống đâu và người nhận có thể liên hệ qua số điện thoại được đính kèm.

Anh Zwe Oak Soe cho biết thả đèn trời hay khinh khí cầu tự chế là hoạt động mang tính truyền thống tại Myanmar. Hoạt động này thường diễn ra khoảng tháng 10-11 ở khu vực nông thôn, nhưng bị hạn chế tại một số thành phố lớn.

Người đàn ông Myanmar này cho biết thông tin chiếc đèn trời hạ xuống một tỉnh ở Việt Nam cũng đang được lan truyền trên mạng xã hội tại Myanmar. Nhiều người bày tỏ ngạc nhiên với khoảng cách di chuyển của chiếc đèn trời này.

Theo Google Maps, khoảng cách đường chim bay từ bang Kayin, Myanmar, đến tỉnh Phú Thọ là hơn 900 km. Nếu chiếc đèn trời này bay thẳng, nó sẽ qua không phận của Thái Lan và Lào trước khi đến Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là vì sao chiếc đèn trời với kích thước lớn có thể bay qua không phận của nhiều nước và hạ cánh tại một tỉnh nằm sâu trong nội địa Việt Nam, trước sự bất ngờ của nhà chức trách địa phương.


Thả đèn trời, khí cầu tự chế là hoạt động thường niên tại Myanmar; tuy nhiên, tình huống đèn trời bay sang tận Việt Nam là hy hữu.

Phân tích về "vật thể bay" tại Phú Thọ, một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát không lưu cho rằng sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng nếu chiếc đèn trời này đáp xuống khu vực một sân bay tại Việt Nam.

"Trong trường hợp đó, các nhân viên kiểm soát không lưu có thể phát hiện đèn trời thông qua quan sát bằng mắt thường. Hoạt động bay có thể bị gián đoạn để xử lý vật thể lạ", vị này cho biết.

Không chỉ uy hiếp không lưu, các vật thể như đèn trời còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn khi đáp xuống mặt đất.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã nghiêm cấm hành vi thả đèn trời từ năm 2009. Quy định này được thực hiện nghiêm ngặt đến mức hoạt động thả đèn trời truyền thống trong các lễ hội cũng không được cho phép.

Trao đổi với PV, một sĩ quan công tác tại quân chủng phòng không - không quân cho biết hệ thống radar sẽ khó phát hiện được những vật thể bay không làm bằng kim loại, độ phản xạ với radar kém và không có sự điều khiển như các loại máy bay khác.

Để phát hiện ra chiếc đèn trời, chủ yếu sử dụng mắt thường và các công cụ hỗ trợ như kính ngắm TZK.

Vị sĩ quan cho biết ban chỉ huy quân sự cấp quận, huyện, đều có lực lượng được trang bị kính ngắm TZK để canh trực vùng trời, phát hiện các vật thể bay xâm nhập và xử lý theo chỉ lệnh.

Cập nhật: 05/01/2022 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video