Vì sao hiện tượng La Nina có sức hủy diệt lớn với hành tinh?

Sự biến chuyển từ El Nino sang La Nina tạo nên một dạng tàn phá khủng khiếp tới con người, môi trường và hệ sinh thái trên Trái đất. Theo đó, hiện tượng La Nina gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu.

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực Trung và Đông Thái Bình Dương ở xích đạo lạnh đi khác thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn hiện tượng El Nino.

Thông thường, ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc, hiện tượng La Nina sẽ xảy ra gây nhiều bão trên Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ bão trên Thái Bình Dương. La Nina xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm/lần, thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng La Nina là do nhiệt độ bề mặt nước biển thấp hơn nhiệt độ chuẩn (nhiệt độ chuẩn khoảng 25 độ C) từ 0,5 độ C trở lên. Đây là một hiện tượng ngược lại với hiện tượng El Nino, được hình thành khi những luồng gió mậu dịch ở vùng xích đạo mạnh lên, đưa những dòng biển lạnh từ dưới đáy sâu nổi lên trên bề mặt của đại dương. Hiện tượng này đã xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương khi bán cầu Bắc chuẩn bị bước vào những tháng mùa đông.


La Nina từng gây ra cơn bão Mitch - "thủ phạm giết người" lớn thứ hai trong lịch sử nhân loại vào năm 1998. (Ảnh: Lolwot)

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, sự biến chuyển từ El Nino sang La Nina tạo nên một dạng tàn phá khủng khiếp với con người, môi trường và hệ sinh thái trên Trái đất. Theo đó, hiện tượng La Nina gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan đáng sợ trên toàn cầu như: Lũ lụt vào mùa xuân, tuyết rơi kỷ lục vào mùa đông, hạn hán vào mùa hè…

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas cho biết: "El Nino và La Nina là các tác nhân chính của hệ thống khí hậu Trái đất. Nhưng mọi sự kiện khí hậu xảy ra tự nhiên giờ đây đều đặt trong bối cảnh sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, vốn làm tăng nhiệt độ toàn cầu, qua đó làm nghiêm trọng hơn các hiện tượng thời tiết, tác động đến mùa mưa hằng năm và làm phức tạp thêm việc dự báo và ứng phó với thiên tai”.

Ngoài ra, La Nina cũng có thể ảnh hưởng đến mùa bão nhiệt đới Tây Nam Ấn Độ Dương, làm giảm cường độ. Đông Nam Á, một số đảo ở Thái Bình Dương và khu vực phía Bắc của Nam Mỹ dự kiến sẽ nhận được lượng mưa trên mức trung bình. Ở Ấn Độ, La Nina có nghĩa là nước này sẽ nhận được lượng mưa nhiều hơn bình thường, dẫn đến lũ lụt.

Không những thế, tác động khủng khiếp của La Nina còn khiến lương thực toàn cầu bị giảm sút, mất mùa, nạn đói liên miên xảy ra tại các quốc gia còn nghèo ở châu Phi, châu Á...

Trong đó, khu vực châu Phi và Trung Á sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình do ảnh hưởng của La Nina. WMO cảnh báo Đông Phi sẽ có những điều kiện khô hạn hơn bìnhh thường, cùng với những tác động hiện có của cuộc xâm lược châu chấu sa mạc, có thể làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trong khu vực.

Trong lịch sử, hiện tượng La Nina từng gây ra cơn bão Mitch, "thủ phạm giết người" lớn thứ 2 trong lịch sử nhân loại vào năm 1998, gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người còn sống đến tận ngày nay. Siêu bão Mitch hình thành từ Đại Tây Dương với sức gió 290 km/h, cuồng phong cấp 5 đã cướp đi sinh mạng và làm mất tích 22.000 người, khiến 2,7 triệu người mất nhà cửa, gây thiệt hại về của lên tới 6 tỉ USD Mỹ (năm 1988) tại 2 quốc gia Trung Mỹ là Nicaragua và Honduras.

La Nina khiến mùa Đông năm nay có thể lạnh sâu hơn

Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ dự báo, gần 90% khả năng là La Nina sẽ tồn tại đến tháng 2/2022. Những tháng có La Nina, nhiệt độ sẽ thấp hơn bình thường khiến các cơ quan dự báo khí tượng đưa ra cảnh báo về một mùa đông khắc nghiệt.

Ngay từ tháng 10, nhiều quốc gia châu Á đã xuất hiện những đợt rét bất thường. Hàn Quốc vừa trải qua đợt giá rét, không khí lạnh từ Bắc Cực tràn về khiến nhiệt độ ở nhiều khu vực giảm mạnh xuống ngưỡng âm độ và băng giá đã xuất hiện trong sáng 17/10, đánh dấu buổi sáng lạnh nhất vào giữa tháng 10 trong vòng 64 năm qua ở xứ sở kim chi.

Cũng trong ngày 17/10 vừa qua, tại Trung Quốc đã chứng kiến nhiệt độ đóng băng sớm hơn 20 ngày so với mức trung bình là ngày 8/11. Đợt lạnh kéo nhiệt độ nhiều nơi ở các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, An Huy và Giang Tô xuống 10 độ C trong vòng 24 giờ, nhiều người dân nói, nó giống như "chế độ làm đông nhanh" của tủ lạnh.

Cập nhật: 10/11/2021 Theo kinhtemoitruong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video