Nắng, mưa, nóng lạnh thất thường: Vì sao thời tiết ngày càng trở nên kỳ lạ?

Nhiều nơi trên thế giới ghi nhận các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang trở nên phổ biến hơn. Liệu vấn đề này có thể được giải quyết?

Lượng mưa kỷ lục, đợt nắng nóng chết người, cháy rừng dữ dội... là những điều mà ta dễ dàng bắt gặp trên các bản tin thời sự.

Liệu có phải thời tiết trên Trái đất đang trở nên kỳ lạ hơn? Câu trả lời là đúng vậy. Nhưng vì sao lại thế?


Khí hậu Trái đất đã thay đổi đáng kể trong suốt lịch sử 4,5 tỷ năm phát triển.

Trên thực tế, những hiện tượng thời tiết này đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng vấn đề là hiện nay chúng xảy ra thường xuyên hơn và ở mức độ lớn hơn rất nhiều. Theo các nhà khí tượng và môi trường học, khí hậu Trái đất đã thay đổi đáng kể trong suốt lịch sử 4,5 tỷ năm phát triển.

Thiên nhiên đã từng chứng kiến cả những khi thời tiết trở nên rất nóng, hoặc rất lạnh. Nhưng chính tốc độ thay đổi hiện tại đang đặt toàn bộ sinh vật sống trên toàn hành tinh vào tình trạng nguy hiểm.

"Mỗi người chúng ta, bất kể sống ở đâu, đều đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu", nhà khoa học khí hậu Katharine Hayhoe, cho biết.

Sóng nhiệt

Hãy bắt đầu với một trong những tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu: sóng nhiệt.


Biến đổi khí hậu gây sóng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Khi thế giới ấm lên, sóng nhiệt không chỉ trở nên thường xuyên hơn mà còn dữ dội hơn rất nhiều.

Đợt nắng nóng gần đây dọc theo Bờ Tây nước Mỹ đã khiến bang Las Vegas đạt mức nhiệt kỷ lục mọi thời đại, là 49 độ C.

Trong đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất, nhiệt độ toàn khu vực cao hơn tới 20 độ C so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.

Nhiệt độ tăng cũng gây ra tình trạng băng tan đáng báo động tại bang Alaska (Mỹ). Nghiên cứu cho thấy các dòng sông băng tại đây đang tiệm cận ngưỡng nguy hiểm.

Tại Ả Rập Saudi, hơn 1.300 người đã tử vong trong cuộc hành hương Hajj thường niên, do trùng với đợt nắng nóng bất thường. Theo đài BBC, nhiệt độ tại Nhà thờ Hồi giáo Lớn ở thành phố Mecca có thời điểm chạm ngưỡng 52 độ C.

Hy Lạp cũng vừa trải qua đợt nắng nóng sớm nhất được ghi nhận tại quốc gia này, khiến một số du khách tử vong.


Biến đổi khí hậu thúc đẩy tần suất và cường độ các dạng thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, miền bắc Ấn Độ đang phải vật lộn với đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất mà nước này từng chứng kiến với nhiệt độ xấp xỉ 50 độ C.

Mùa hè ở Ấn Độ từng nổi tiếng là nóng và ẩm, nhưng đợt nắng nóng năm nay lại kéo dài hơn, dữ dội hơn và khô hơn.

Sóng nhiệt xảy ra khi hệ thống khí quyển áp suất cao di chuyển và đẩy các luồng không khí nóng xuống gần mặt đất.

Vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là hệ thống áp suất cao đang được tăng cường khi Trái đất ấm lên, tạo xúc tác cho một vòng luẩn quẩn.

"Thời tiết càng nóng thì hệ thống áp suất cao càng mạnh. Ngược lại, hệ thống áp suất cao càng mạnh thì thời tiết càng nóng hơn", Hayhoe giải thích.

Mưa lớn và lũ quét

Một sản phẩm phụ khác của biến đổi khí hậu, là mưa lớn. Tác nhân chính gây ra hiện tượng này đến từ dòng sông khí quyển, hay còn gọi là dòng khí ẩm trên bầu trời.


Một sản phẩm phụ khác của biến đổi khí hậu là mưa lớn.

Khi dòng khí ẩm này tiếp cận một ngọn núi, không khí bốc lên, nguội đi, rồi ngưng tụ thành hạt mưa trước khi rơi xuống.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các dòng sông khí quyển đang trở nên mạnh hơn và lớn hơn vì chúng hấp thụ nhiều hơi nước hơn.

Nói cách khác, thời tiết càng nóng thì nước bốc hơi từ các đại dương càng nhiều, và tạo thành các dòng sông khí quyển khổng lồ.

Theo World Weather Attribution, trong giai đoạn thu - đông 2023/2024, lượng mưa ở Vương quốc Anh và Ireland tăng khoảng 20%. Nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Vào tháng 5, một trận lũ thảm khốc đã tấn công Afghanistan, giết chết hơn 300 người ở các tỉnh Baghlan, Takhar và Badakhshan.

Vào tháng 6, mưa lớn đã quét qua Thụy Sĩ, Pháp và Ý, gây ra lở đất và lũ lụt. Ít nhất 7 người được báo cáo đã thiệt mạng.

Ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh, lượng mưa lớn bất thường đến sớm trong năm đã tạo thành lũ lụt trên diện rộng, giết chết hơn 40 người.

Bão nhiệt đới, lốc xoáy


Bão và lốc xoáy là một loại hiện tượng thời tiết chung, được gọi là xoáy thuận nhiệt đới.

Bất kể tên gọi là gì, những cơn bão này đều đặc biệt ở chỗ chúng được cung cấp năng lượng từ nước biển ấm. Mà đại dương thì đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu khiến nước biển ngày càng ấm lên.

"90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại bên trong hệ thống khí hậu sẽ đi vào đại dương, chứ không phải vào khí quyển", Hayhoe giải thích.

Điều này khiến những cơn bão không chỉ mạnh lên, xuất hiện dày đặc hơn, mà còn di chuyển với tốc độ chậm. Từ đó khiến mức độ thiệt hại tăng cao.

Bão Harvey từng đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 là cơn bão lớn đầu tiên mà các nhà khoa học có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự kiện này.

Họ phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ở thành phố Houston, bang Texas, cao gấp 3 lần và mạnh hơn ít nhất 15%.

Cháy rừng


Cháy rừng đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Một tác động đáng kể khác của biến đổi khí hậu là sự gia tăng tần suất xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Theo đó, cháy rừng đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đặc biệt là thời tiết nóng hơn và khô hơn.

Theo Independent, cháy rừng đã phá hủy hơn 1,7 triệu mẫu Anh đất trong ba tháng đầu năm 2024 chỉ riêng tại Mỹ.

BBC cho biết, tổng diện tích rừng bị cháy vào năm 2023 cao hơn 8 lần so với mức trung bình trong 40 năm qua.

"Hãy tưởng tượng bạn làm rơi que diêm vào một đống gỗ khô đã bị nung nóng ở nhiệt độ cực cao trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng", Hayhoe tiếp tục.

"Đó là lý do tại sao chúng ta thấy diện tích cháy rừng và số lượng các vụ cháy lớn đang gia tăng".

Nhiễu loạn không khí

Vào tháng 5, một chuyến bay của Singapore Airlines đã gặp phải một cơn nhiễu động nghiêm trọng, khiến một người tử vong và nhiều người khác bị thương nặng.


 Các dạng nhiễu động như trên sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Cùng thời gian đó, một chuyến bay của Qatar Airways từ Doha đến Ireland đã phải chịu nhiễu động mạnh trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 12 người bị thương.

Vào tháng 7, hàng chục người đã bị thương sau khi một chuyến bay của Air Europa bị nhiễu động nghiêm trọng. Chuyến bay từ Tây Ban Nha đến Uruguay rốt cuộc đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Brazil do tình trạng nằm ngoài khả năng kiểm soát.

Giới khoa học dự đoán rằng các dạng nhiễu động như trên sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Điều đáng lo ngại là chúng gần như không thể được dự báo từ trước.

Trong một nghiên cứu vào năm 2023, các nhà khoa học cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào tình trạng đầy nguy hiểm. Nguyên nhân là bởi con người chưa giải quyết tốt những ảnh hưởng của cuộc biến đổi khí hậu.

"Sự sống trên hành tinh của chúng ta rõ ràng đang bị đe dọa", William Ripple, nhà sinh thái học tại Đại học bang Oregon, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu dự đoán rằng khoảng 1/3 - 1/2 dân số thế giới (tương đương 3 - 6 tỷ người) có thể bị đẩy ra khỏi "khu vực có thể sống được". Điều này nghĩa là họ có thể phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt và nguồn lương thực bị khan hiếm.

Giới khoa học cũng cho rằng nhân loại đang khai thác quá nhiều từ Trái đất, và các chính trị gia phải khẩn trương đấu tranh để có các chính sách giải quyết vấn đề này. Có như vậy mới giúp chúng ta nắm được cơ hội để sống sót sau những thách thức lâu dài của biến đổi khí hậu.

Cập nhật: 16/07/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video