Vì sao họ đoạt giải Nobel Kinh tế?

"Lý thuyết trò chơi kiến giải xung đột kinh tế - chính trị, từ chạy đua vũ trang đến chiến tranh giá cả" của nhà kinh tế mang 2 dòng máu Israel - Mỹ Robert J.Aumann và giáo sư kinh tế người Mỹ Thomas C.Schelling đã giành giải Nobel Kinh tế 2005.

Đây là năm thứ sáu liên tiếp một người Mỹ giành được giải Nobel Kinh tế, hoặc chí ít thì cũng được chia sẻ vinh quang.

Schelling, năm nay 75 tuổi, là giáo sư khoa Kinh tế Đại học Maryland và là giáo sư danh dự của Đại học Harvard. Còn giáo sư Aumannn năm nay đã 84 tuổi, từng công tác tại Đại học Jerusalem - Do Thái. Hai ông đã sử dụng phương pháp phân tích lý thuyết trò chơi để "lý giải các hình thái xung đột kinh tế, chẳng hạn như chiến tranh giá cả hay cuộc chiến thương mại, cũng như lý do vì sao nhiều cộng động thành công hơn các đối thủ trong việc quản lý nguồn lực chung".

Phương pháp tiếp cận vấn đề này đã làm rõ được lý do tồn tại của nhiều khái niệm, từ các phường hội buôn bán và băng đảng có tổ chức, cho đến đàm phán lương bổng và thoả thuận thương mại quốc tế.

Phát biểu từ Israel qua điện thoại, giáo sư Aumann cho biết ông hoàn toàn bất ngờ và choáng ngợp với chiến thắng này. Một điều thú vị là mặc dù cùng đoạt giải Nobel với nhau về cùng một đề tài, nhưng cả hai giáo sư đều chưa từng có dịp bắt tay hợp tác lần nào.

"Họ (Uỷ ban Nobel) đã gắn chúng tôi với nhau vì giáo sư Aumann là người nghĩ ra lý thuyết trò chơi, còn tôi là người vận dụng nó. Tôi đã sử dụng lý thuyết này để giúp mình kiến giải các tình huống xung đột, cũng như các vận hội" - Giáo sư Schelling cho biết.

Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Thuỵ Điển, giáo sư Schelling đã có đóng góp lớn khi chỉ ra được "một tổ chức/đảng phái có thể củng cố vị trí khi công khai hạ thấp, bôi xấu chính các sự lựa chọn của họ, rằng khả năng trả thù còn hữu dụng hơn cả khả năng kháng cự các cuộc tấn công...". Những phân tích thấu suốt và sắc sảo này đã làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa giải quyết xung đột với các nỗ lực né tránh chiến tranh.

Trong khi đó, công trình của giáo sư Aumann lại được đánh giá cao vì đã chỉ ra các tình huống thực tế có thể tác động, ảnh hưởng đến lý thuyết như thế nào.

Lý thuyết trò chơi thường được sử dụng trong các bối cảnh chính trị hoặc quân sự để lý giải xung đột giữa các quốc gia, nhưng Aumann đã chứng tỏ nó còn có thể vận dụng được vào thế giới kinh doanh. "Việc hiểu lý thuyết trò chơi sẽ giúp chúng ta lý giải các xung đột kinh tế như cạnh tranh về giá hay cuộc chiến thương mại" - Ông Jorgen Weibull, Chủ tịch Uỷ ban Nobel nhận định.

Giáo sư Aumann sinh ra ở Frankfurt (Đức) nhưng lại mang quốc tịch cả Mỹ lẫn Israel. Ông không phải là người Israel đầu tiên đoạt giải Nobel Kinh tế. Trước đó, vào năm 2002, Daniel Kahneman, một giáo sư cũng mang quốc tịch Mỹ - Israel, đã chia sẻ giải thưởng với một tác giả người Mỹ khác.

Người đoạt giải Nobel Kinh tế năm ngoái là giáo sư Edward C.Prescott của trường đại học bang Arizona và giáo sư kinh tế học người Na Uy Finn E.Kydland của Đại học California, nhờ công trình nghiên cứu về những tác động của các chính sách chính phủ đến nền kinh tế thế giới, và vì sao những cú sốc về nguồn cung (ví dụ, giá dầu tăng cao) lại tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh doanh.

Giải Nobel Kinh tế trị giá 1,3 triệu USD, là hạng mục duy nhất của giải Nobel không có trong di chúc của Alfred Nobel. Các hạng mục khác như y tế, vật lý, hoá học, văn học và hoà bình đều được trao lần đầu tiên vào năm 1901, trong khi giải Nobel Kinh tế được Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển sáng lập một cách độc lập vào năm 1968.

Châu Anh (Theo AP)

Theo Tiền Phong Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video