Lưu Bang diệt trừ chư hầu, trở thành hoàng đế khai quốc nhà Hán là nhờ công lớn của “chiến thần” Hàn Tín, nhưng đến cuối cùng, Hán Cao Tổ vẫn quyết diệt trừ Hàn Tín bằng được.
Hàn Tín (229 TCN – 196 TCN) nổi tiếng là “chiến thần” bách chiến bách thắng trong thời Hán – Sở tranh hùng sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời.
Theo sử sách, Hàn Tín mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ông sống cuộc đời cực khổ, có những hôm không câu được cá không có gì ăn.
Phác họa cảnh Hàn Tín chịu nhục phải chui háng.
Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ.
Thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, có gã bán thịt lợn làm nhục bắt Tín một là dùng kiếm đánh nhau với gã, hai là luồn qua háng. Tín chấp nhận chịu nhục chui qua háng dù bị mọi người chê cười.
Năm 209 trước Công nguyên, khởi nghĩa chống nhà Tần bùng nổ. Cuộc đời Hán Tín bước sang một trang mới khi ông gia nhập nghĩa quân do Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ đứng đầu.
Không được Hạng Vũ trọng dụng, ông chuyển sang đầu quân cho Hán vương Lưu Bang, lúc bấy giờ cạnh tranh quyền lực quyết liệt với Sở Bá Vương Hạng Vũ. Nhờ mối quan hệ với tướng quốc nhà Hán là Tiêu Hà, Hàn Tín cuối cùng cũng được trọng dụng và được Lưu Bang phong làm tướng quân.
Hàn Tín lên đàn nhận phong tướng xong bèn phân tích cho Hán vương về những thế mạnh, yếu của Hạng Vũ và cách thức đánh bại Sở, đối thủ lớn nhất lúc bấy giờ của nhà Hán. Lưu Bang kể từ đó bắt đầu xem trọng Hàn Tín.
“Chiến thần” bách chiến bách thắng
Chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi được Lưu Bang tin dùng, Hàn Tín đích thân đem quân chinh chiến, gặt hái hết thành công này đến thành công khác.
Năm 206 TCN, ông dẫn quân bình định Tam Tần, do các vua chư hầu Chương Hàm (Ung vương), Tư Mã Hân (Tắc vương) và Đổng Ế (Địch vương) nắm quyền.
Hàn Tín là người biết chịu nhục mà ấp ủ chí lớn.
Đội quân do Hàn Tín chỉ huy đánh đâu thắng đó, ông chinh phạt nước Hàn, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu phục nước Yên, chiếm nước Tề và tiến đến kẻ thù lớn nhất là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Năm 202 TCN, Lưu Bang theo kế của Trương Lương, bội ước mang quân đánh úp Hạng Vũ nhưng đại bại.
Lúc này, Lưu Bang mới nhờ cậy đến Hàn Tín và Bành Việt mang quân đến tiếp viện. Nhờ Hán Tín ra tay mà quân Hán mới vây chặt được Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ ở Cai Hạ, Trung Quốc, kết liễu đối thủ lớn nhất đời Lưu Bang.
Giết bạn để chứng minh lòng trung thành
Lưu Bang trở thành người thứ hai thống nhất Trung Hoa sau Tần Thủy Hoàng, tạo nên triều đại kéo dài hơn 400 năm. Hàn Tín với tư cách là công thần khai quốc nhà Hán, được Lưu Bang phong làm Tề Vương rồi sau đó là Sở Vương, nắm quyền bá chủ một vùng.
Mặt khác, đẩy được Hàn Tín rời kinh đô cũng giúp Lưu Bang giảm tầm ảnh hưởng của “chiến thần” trong triều.
Năm thứ hai Hàn Tín lên làm Sở vương, có người đã dâng tấu cáo buộc Tín mưu phản. Bản thân Lưu Bang cũng hiểu rõ đó là lời vu cáo vô căn cứ, nhưng vẫn nhân cơ hội này để hạ bệ Hàn Tín.
Khi có người bẩm báo Hàn Tín mưu phản, các quan trên triều đều vô cùng phẫn nộ.
Lưu Bang chưa tỏ thái độ ngay, kín đáo hỏi ý kiến Trần Bình. Trần Bình có hỏi: “Quân của bệ hạ có tinh nhuệ hơn quân của Hàn Tín không?” Lưu Bang trả lời: “Không sánh kịp”.
Trần Bình lại hỏi tiếp: "Tướng của bệ hạ có mạnh hơn tướng của Hàn Tín không"? Lưu Bang lại trả lời: "Sao sánh bằng"!
Hình tượng Hàn Tín trong phim truyền hình Trung Quốc.
Tới lúc này, Trần Bình mới nói: "Quân không tinh bằng quân hắn, tướng không giỏi hơn tướng hắn, lại muốn đem quân đi đánh, chẳng khác nào cố ép hắn phải làm phản". Lưu Bang nghĩ cũng xuôi nên lên kế hoạch bắt Hàn Tín.
Khi ấy, Lưu Bang lấy danh nghĩa thiên tử đi tuần, xuống gần nước Sở ở phía nam. Hàn Tín không biết ứng phó như thế nào, bởi không biết Lưu Bang muốn bắt mình hay không.
Để tỏ lòng trung thành, ông bèn lấy đầu người bạn cũ Chung Ly Muội nộp cho Lưu Bang. Bởi Lưu Bang thuở xưa rất căm ghét Chung Ly Muội khi người này còn là tướng dưới quyền Hạng Vũ. Nhưng ngay sau đó, Hàn Tín lập tức bị bắt, đem giải về kinh thành.
Hàn Tín vì không phục, nhưng chỉ biết than trời: “thỏ chết thì giết chó, chim hết thì bẻ cung, diệt xong địch thì công thần phải chết”.
Nghi án mưu phản bất thành
Nhưng Lưu Bang cũng không vội vàng giết Hàn Tín ngay, Hán Cao Tổ chỉ nhân cơ hội này khiến Hàn Tín mất đi thanh danh “khai quốc công thần”.
Mặc dù được phóng thích, nhưng Hàn Tín bị giáng chức làm Hoài Âm hầu. Theo tước vị, dưới vương là công và sau đó mới đến hầu. Điều này khiến ông như “cá nằm trên thớt”, vô cùng căm phẫn.
Năm 200 TCN, viên tướng Trần Hy được cử đến trấn thủ Cự Lộc ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trước khi lên đường, Trần Hy có tới chào từ biệt Hàn Tín.
Hàn Tín nói: “Nếu ngươi đi đến đó, ắt sẽ có người cáo ngươi mưu phản, trước sau sẽ bị giáng họa”. Không rõ vì câu nói này của Hàn Tín hay không mà Trần Hy làm phản thật.
Hàn Tín một lòng trung thành với Lưu Bang để rồi nhận cái chết thảm khốc.
Đích thân Hán Cao Tổ dẫn quân đi dẹp loạn, để thái tử Lưu Doanh ở lại trấn thủ kinh thành.
Năm 196 TCN, Lưu Bang ngự giá thân chinh, Hàn Tín cáo bệnh không theo, còn cho người mang thư đến chỗ Trần Hy, hẹn sẽ làm nội ứng tại kinh thành, theo sử sách chép lại.
Sự việc bại lộ, Lã hậu cùng Tiêu Hà nhân cớ này trừ khử Hàn Tín. Lã hậu phao tin biên ải đại thắng, Trần Hy bị diệt, mời quần thần vào cung mở tiệc ăn mừng. Hàn Tín vì chột dạ nên định cáo bệnh, nhưng không qua mắt được Lã hậu. Hàn Tín vừa vào cung đã bị bắt sống và bị xử tử ở cung Trường Lạc.
Các sử gia Trung Quốc ngày nay hầu hết đều cho rằng Hàn Tín không hề có âm mưu làm phản. Nếu muốn làm phản, Tín có nhiều cơ hội kể từ khi còn là Sở Vương, cho đến lúc giết Chung Ly Muội để chứng tỏ lòng trung thành. Đến cuối cùng, Hàn Tín mà có ý làm phản thì chắc hẳn sẽ không dám theo Tiêu Hà vào cung để cho Lã hậu bắt chém.
Trên thực tế, không phải một mình Hàn Tín là nạn nhân của Lưu Bang. Hàng loạt các khai quốc công thân khác, những người được phong vương rồi cũng bị phế truất để thay bằng các hoàng tử nhà họ Lưu.
Ngày nay, Hàn Tín được coi là một trong những anh hùng kiệt xuất, hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.