Các chuyên gia đã đưa ra lời giải tại sao nhiều người đã mặt chuyển màu đỏ sau khi uống chút rượu hay một cốc bia.
Cuối tuần, không ít bạn đã tranh thủ tụ tập để có thể vui vẻ bên nhau và việc mời nhau một vài ly rượu không phải hiếm. Tuy nhiên bạn có bao giờ để ý rằng, mặt của một vài bạn thường đỏ ửng ngay khi chỉ uống xong một cốc bia?
Nhiều người cho rằng, những người uống rượu, bia mà đỏ mặt thì sẽ say nhanh hơn và dường như người châu Á thì càng dễ bị đỏ mặt hơn người châu Âu. Phải chăng, hệ gene hay enzyme trong cơ thể người cũng có chút tác động đến vấn đề này?
Không phải bất cứ ai cũng vướng phải hội chứng đỏ mặt khi uống rượu bia. (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ, nhà hóa sinh học Kenneth Warren thuộc Viện quốc gia về chống lạm dụng rượu và nghiện rượu (NIAAA) cho biết: không phải bất cứ ai cũng vướng phải hội chứng đỏ mặt khi uống rượu bia.
Tuy nhiên, hội chứng này ảnh hưởng tới 50% người châu Á, phần nhiều ở các nước Đông Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... còn với người châu Âu, tỉ lệ mắc hội chứng này không cao.
Hội chứng này xuất hiện bởi sự thiếu hụt một enzym có tên gọi là ALDH2 - có tác dụng hạn chế sự gia tăng của hoạt chất acetaldehyde trong máu. Theo đó, Enzym ALDH2 sẽ có tác dụng giúp các hoạt chất acetaldehyde chuyển hóa thành acetate (thành phần cơ bản của giấm).
Nếu acetaldehyde tích tụ trong máu sẽ khiến cơ thể nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa và tim đập nhanh ở một số người. Ngoài ra, acetaldehyde cũng là thủ phạm gây ra những cơn nhức đầu vào buổi sáng sau mỗi trận “chè chén”.
Không những thế, mỗi người có mức độ phản ứng đối với nồng độ cồn trong máu khác nhau. Nồng độ cồn cao sẽ làm mao mạch giãn trên toàn cơ thể.
Lúc này, ở người có ngưỡng đáp ứng thấp, những nơi tập trung mao mạch dễ thấy như mắt và các vùng da mỏng như mặt, cổ, lưng, mắt… dễ bị đỏ lên rất rõ.
Việc giãn mao mạch khiến mặt đỏ cũng là một tín hiệu để người uống bia rượu biết dừng đúng lúc. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, việc đỏ mặt sau khi uống rượu bia là dấu hiệu tiềm ẩn bệnh huyết áp, gan...