Người dân thường mua vàng ngày vía Thần Tài, mua vàng đầu năm để cầu mong tài lộc cho gia đình. Nhưng tại sao lại mua vàng mà không phải thức khác thì không phải ai cũng biết điều đó.
Ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm là ngày Thần Tài bay về trời nên nhiều người mua vàng để cầu tài lộc trong năm với mong muốn một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt
Ngày vía Thần Tài năm 2024 (Giáp Thìn) là mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, tức ngày thứ Hai ngày 19 tháng 2 năm 2024 Dương lịch.
Có nhiều quan niệm về ngày Thần Tài, theo truyền thuyết từ xưa, Âu Minh - một người buôn bán đi qua hồ Thanh Thảo thì gặp Thủy Thần. Âu Minh được Thủy Thần cho một người ở tên là Như Nguyện. Từ khi Như Nguyện về sống trong nhà, Âu Minh làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, vào một ngày Tết, Âu Minh đánh Như Nguyện khiến cho người này sợ quá rồi biến mất. Sau đó, Âu Minh làm ăn tụt dốc. Thấy vậy, nhiều người đã lâp ban thờ để cúng Như Nguyện.
Ban thờ Thần Tài.
Một sự tích khác kể rằng, Thần Tài sống trên trời, trong một lần xuống hạ dưới thì uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai. Sáng ngủ dậy, mọi người thấy Thần Tài mặc quần áo lạ lùng nên đã đưa quần áo đi bán. Thức dậy, Thần Tài đi lang thang ăn xin. Một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.
Tuy nhiên, chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa. Từ đó, cửa hàng vắng khách, kinh doanh sa sút. Nhiều người kinh doanh khác tìm cách mời Thần Tài về nhà. Sau đó, ông được đưa đi mua quần áo. May mắn, Thần Tài tìm đến đúng cửa hàng đã mua lại quần áo lúc trước. Ông mặc quần áo, đội mũ rồi bay về trời. Từ đó, nhiều người xem ngày 10/1 Âm Lịch là ngày Thần Tài bay về trời.
Cũng có quan niệm cho rằng Thần Tài như là Thần Đất (Thần Thổ Địa), vị thần hộ mệnh của xóm làng, cai quản đất đai, phù hộ con người và gia súc trong xóm làng. Khi những người dân Việt đi khai hoang, bước đầu họ gặp nhiều khó khăn và ý niệm về các vị thần hình thành từ đó làm chỗ dựa tâm linh của họ trên con đường mưu sinh.
Mua vàng đầu năm
Theo quan niệm từ xưa, ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, mọi người đặc biệt là các gia đình kinh doanh, làm ăn, buôn bán thường mua đồ cúng để cúng Thần Tài.
Người dân mua vàng ngày vía Thần Tài bởi quan niệm mua vàng có thể đưa lại tài lộc cho cả năm.
Thậm chí, nhiều người còn đi mua vàng đúng ngày vía Thần Tài bay về trời để cầu mong may mắn, tài lộc trong suốt 1 năm. Những hình ảnh khách hàng xếp hàng "rồng rắn" chờ đợi mua nhẫn, vàng miếng, vàng trang sức... không còn hiếm thấy. Có người chờ đợi cả tiếng đồng hồ nhưng ai nấy đều vui vẻ, bởi quan niệm mua vàng có thể đưa lại tài lộc cho cả năm.
Cách mua vàng ngày Vía Thần Tài
Ngày Vía Thần Tài nên mua loại vàng gì?
Vàng là một loại tài sản có tính tích trữ, là biểu tượng cho sự phú quốc, tài lộc của người sở hữu nó. Vào ngày Vía Thần Tài, bạn có thể chọn mua nhẫn vàng trơn không họa tiết hoặc vàng miếng. Ngoài ra bạn có thể mua nhẫn vàng tròn trơn ép vỉ để đảm bảo được chất lượng của vàng, cũng như lựa chọn vàng miếng có in hình linh vật của năm để cầu tài lộc, may mắn trong ngày này.
Mua vàng ngày Vía Thần Tài giờ nào tốt?
Việc lựa chọn thời gian mua vàng, giúp tăng vượng khí may mắn, tài lộc cũng được nhiều người quan tâm. Các cửa hàng hầu hết cũng có thời gian mở cửa trong ngày này sớm hơn so với bình thường. Bạn có thể tham khảo thời gian được cho là tốt vào ngày Vía Thần Tài dưới đây:
- Canh Tý: 23h00 – 24h00.
- Tân Sửu: 1h00 – 3h00.
- Quý Mão: 5h00 – 7h00.
- Bính Ngọ: 11h00 – 13h00.
- Mậu Thân: 15h00 – 17h00.
- Kỷ Dậu: 17h00 – 19h00.
Ngày Vía Thần Tài nên mua mấy chỉ vàng?
Theo quan niệm nhân gian, tùy theo mong muốn về một năm nhiều tài lộc, may mắn mà bạn có thể lựa chọn số lượng vàng cần mua cho phù hợp. Tuy nhiên vào những ngày này, giá vàng có thể tăng cao nên bạn chỉ nên mua vừa đủ để cầu may theo phong tục. Bạn có thể tham khảo số lượng vàng cần mua tùy theo mức độ cầu may dưới đây:
- Vàng Thần Tài 1 chỉ: Cầu Lộc.
- Vàng Thần Tài 2 chỉ: Cầu Phát.
- Vàng Thần Tài 5 chỉ: Cầu Tài.
Đi mua vàng ngày vía Thần Tài phải chú ý chọn cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng. Khách hàng thường mua nhẫn tròn trơn 0,5-2 chỉ, nên chọn loại ép vỉ. Nếu mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ khó xác định được chất lượng. Bởi nhẫn tròn trơn gia công do những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại nên có thể không đảm bảo đủ tuổi hay còn gọi là vàng non.
Còn với vàng miếng nên yêu cầu xuất hóa đơn tài chính, ghi rõ seri miếng vàng loại 0,5 chỉ hoặc 1 lượng.
Người làm kinh doanh thờ Thần Tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của Thần Tài.
Hình thức tiết kiệm
Tuy nhiên, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam.
Trong tâm lý, thói quen của người Việt, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và "giữ tiền" an toàn nhất. Hầu như trong mỗi gia đình được coi là đủ điều kiện thì đều có một vài chỉ vàng "giắt lưng" đề phòng khi cần chi tiêu.
Ngày nay, khi mà gửi tiền ngân hàng vẫn còn phải liên quan đến thủ tục; các kênh đầu tư khác cần vốn lớn và đầy biến động; còn ngoại tệ thì không phải ai cũng thành thạo, quen thuộc thì vàng vẫn là thứ mà người dân Việt nghĩ đến nhiều nhất mỗi khi muốn tiết kiệm, để dành.
Bên cạnh đó, với nhiều người mua vàng đầu năm nhằm giúp tiết kiệm tránh lãng phí sau thời điểm ăn Tết chi tiêu "thả ga".
Những điều kiêng kỵ vào ngày vía Thần Tài?
- Không đặt ban thờ Thần Tài gần những nơi không sạch sẽ như nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp hay nơi phơi đồ…. sẽ làm mất đi sự tôn kính.
- Ông bà xưa cho rằng dùng bóng đèn điện hay đèn nháy có thể sinh ra những trường khí không tốt, do đó không được dùng đèn nháy, đèn điện thay cho nến hay đèn dầu.
- Không đặt ban thờ Thần Tài ở lối đi lại sẽ làm mất đi sự tôn kính, thanh lịch nơi thờ cúng.
- Hướng đặt ban thờ Thần Tài: Không đặt ban thờ Thần Tài nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: Đông Bắc, hướng Tây Nam
- Trang phục gia chủ mặc trong ngày vía Thần Tài: Gia chủ nên mặc quần áo nghiêm túc, chỉnh tề khi cúng vía Thần Tài. Tránh các trang phục xuề xòa, luộm thuộm, không mặc đồ rách khi cúng.
- Lời ăn tiếng nói trong ngày vía Thần Tài: Vào ngày này hạn chế không gây cãi lộn đánh nhau, không nói bậy, chửi tục.
- Đem lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài: Nhiều gia đình có thói quen sau khi thắp hương cúng lễ xong xuôi sẽ chia sẻ lộc, tán lộc cho nhiều người kể cả người ngoài. Tuy nhiên đây là một trong những điều tối kỵ trong ngày vía Thần Tài. Nhiều người quan niệm rằng, nếu mang lộc trong ngày vía Thần Tài đem chia cho người ngoài, tức không phải người thân của mình thì lộc may mắn, lộc làm ăn sẽ đi hết ra ngoài. Bên cạnh đó, để giữ nguyên tài lộc cho gia đình, sau khi cúng lễ xong gia chủ cất muối gạo đi, còn nước thì hắt từ ngoài vào trong mình, ngụ ý lộc tài chỉ vào nhà chứ không ra ngoài.
- Cắm hương chồng chéo nhau: Trong mỗi bát hương gia chủ nên sử dụng cốt là gói Thất Bảo. Nó sẽ giúp giữ tài lộc không bị hao hụt. Lưu ý những gia chủ nào thường cắm hương chồng chéo hoặc cắm vào gói Thất Bảo thì sẽ khiến cho việc thờ cúng Thần Tài không có linh khí. Sai lầm này sẽ khiến cho gia chủ làm ăn thất bát và luôn rơi vào tình trạng nghèo đói quanh năm.
- Không dán nhãn chữ nho sau lưng tượng Thần Tài: Nhiều gia đình chỉ thỉnh Thần Tài mà quên đi dán nhãn chữ nho sau lưng tượng thần này. Điều này sẽ khiến cho việc thờ cúng cũng trở nên vô nghĩa và không được chứng giám. Khi đó gia đình bạn sẽ không gặp được nhiều may mắn, tài lộc như mong muốn.
- Thiếu bài vị gương: Lập bàn thờ Thần Tài sẽ có mục đích cầu tài cầu lộc. Những vật cần có trên bàn thờ phải được chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt là bài vị gương. Nếu gia đình nào thiếu bài vị gương thì sẽ khiến tài lộc bị hao mòn, tiền tài, của cải thất thoát và không để ra được đồng nào.
- Thiếu bát tụ lộc: Bát tụ lộc là bát được làm từ thủy tính có phần đáy sâu, bên trong có chứa nước sạch và được rắc hoa tươi. Nếu trên bàn thờ Tài Lộc thiếu bát tụ lộc thì tài lộc, may mắn sẽ không tới với gia đình bạn.