Sự tích về Thần Tài

  •   3,98
  • 55.180

Thần Tài là vị thần xuất hiện giúp mang tới may mắn, tài lộc và sự giàu sang cho các gia chủ. Đến nay vẫn được người dân thành kính và thờ cúng.

Tín ngưỡng thờ thần này bắt nguồn từ tâm lý e sợ các hiện tượng tự nhiên mà họ chưa lý giải được trong thời điểm lúc bấy giờ.

Thần Tài
Thần Tài theo tín ngưỡng dân gian là một vị thần mang đến tài lộc, của cải. (Ảnh minh họa).

Và đó cũng là tâm lý thể hiện sự tri ân đến các sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh đã tạo cho họ có được môi trường sống, và làm cho cuộc sống của họ được giàu có, sung túc và bình an.

Thần Tài là ai?

Thần Tài xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng của người Trung Hoa du nhập vào Việt Nam từ rất lâu, có thể do các thương nhân người Việt buôn bán với Trung Quốc, bởi đa phần chỉ có những ai kinh doanh buôn bán mới biết tới Thần Tài và thờ Thần Tài.

Ngày nay được phát triển mở rộng do ai cũng phải lo kinh tế, cũng phải đi làm để có thêm thu nhập, lo cho cuộc sống gia đình, những cán bộ công chức Nhà nước cũng được phép kinh doanh nên các gia đình cũng thờ Thần Tài.

Thần Tài theo tín ngưỡng dân gian là một vị thần mang đến tài lộc, của cải, sung túc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, ta thường thấy gia chủ cầu khấn Thần Tài. Phổ biến nhất ở các của hàng kinh doanh thì thường xuất hiện bàn thờ Thần Tài hướng quay cửa.

Nhân dịp ngày vía Thần Tài chúng tôi giới thiệu đến quý bạn đọc những mẫu chuyện mà sưu tầm, lượm lặc trong dân gian nhằm góp phần lý giải về những nguyên nhân trên theo quan niệm dân gian.

Nguồn gốc của Thần Tài qua các truyền thuyết

Khi tìm hiểu về nguồn gốc của Thần Tài có rất nhiều truyền thuyết nói về vị thần này. Trong đó phổ biến nhất là Thần Tài trong truyền thuyết của Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và truyền thuyết Tây Tạng. Cụ thể như sau:

Theo truyền thuyết của Trung Quốc

Có một tên lái buôn tên là Âu Minh khi qua hồ Thành Thảo, Thủy thần cho một cô nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà làm ăn ngày càng trở nên phát đạt. Sau đó, vào một ngày tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Kể từ đó, Âu Minh làm ăn luôn thua lỗ, sa sút, chẳng mấy chốc trở nên phá sản, nghèo xác nghèo xơ. Hóa ra Như Nguyện chính là hóa thân của Thần Tài. Từ đó người ta thưởng lập bàn thờ để thờ vị thần này dưới góc nhà, hướng nhìn ra ngoài.

Đó là lý do vì sao trong 3 ngày Tết Nguyên Đán chúng ta không được quét rác đổ ra ngoài. Vì theo tích Âu Minh - Như Nguyện như trên mà người ta sợ hốt rác là sẽ hốt luôn cả Thần Tài trong đống rác đó thì việc làm ăn sẽ không suôn sẻ. Việc thờ Thần Tài ở nơi xó xỉnh cũng có nguồn gốc từ đây.

Theo truyền thuyết tại Việt Nam

Thần Tài xuất hiện rất lâu đời trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Ông được xem là một dạng thổ thần và có nhiệm vụ hộ mệnh cho xóm làng, cai quản khu vực đất đai và phù hộ, độ mệnh cho con người khỏe mạnh, phát tài phát lộc.

Người dân Việt khi bước đầu đi khai hoang đã gặp phải rất nhiều thử thách, khó khăn. Cũng chính từ đây đã hình thành ý niệm có các vị thần luôn theo sát. Các vị thần đó được xem như chỗ dựa tâm linh vững chắc trên con đường khai hoang, mưu sinh của người dân.

Thần đất chính là thần bảo vệ cho mùa màng, hoa màu trái cây được tươi tốt, bội thu và đồng thời cũng là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc cho mọi người.

Theo truyền thuyết tại Ấn Độ

Theo truyền thuyết tại Ấn Độ, Thần Tài có nguồn gốc từ Bổ Đại La Hán hay còn được gọi đó là Nhân Yết Đà Tôn Giá. Đây chính là một trong những thập bát La Hán. Ngài thường xuyên đi bắt rắn. Khi đi thường mang theo một túi vải to đeo trên lưng và đi vào trong rừng tìm bắt những con rắn độc. Sau đó Ngài sẽ nhổ bỏ răng độc của rắn rồi thả đi.

Do đó một số loại tượng Thần Tài được miêu tả dưới đang đứng và có cầm thêm một cái túi to. Hai tay của ngài đang hướng thẳng lên trời. Trên môi luôn nở ra nụ cười thoải mái, tươi vui chính là biểu tượng của sự thành công, may mắn, mãn nguyện.

Theo truyền thuyết tại Tây Tạng

Nguồn gốc sự ra đời của ông Thần Tài còn được ghi chép lại trong truyền thuyết của Tây Tạng. Theo Phật Giáo Tây Tạng có 5 vị Thần Tài và còn được gọi là Thần Tài Ngũ Sắc. 5 vị Thần Tài đó lần lượt sẽ gồm có Bạch Thần Tài, Hoàng Thần Tài, Lam Thần Tài, Hồng Thần Tài và Hắc Thần Tài.

Hoàng Thần Tài chính là vị thần đứng đầu của chư vị Thần Linh. Ngài phụ trách cai quản tài bạch tại Phương Bắc, chủ quản bảo khổ. Ngài cũng được người dân cung dưỡng lớn nhất trong các vị Thần Tài.

Câu chuyện nguồn gốc Hoàng Thần Tài xuất phát với nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng mọi người biết đến câu chuyện Ngài đã bảo vệ cho Đức Phật tránh khỏi sự quấy nhiễu của yêu ma.

Ngài chính là Đại Bồ Tát đã chứng 5 đạo và 10 đất. Khi Đức Phật đang giảng giáo kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tại ngọn núi Griddhakuta tại vùng đất Rajgir thuộc vào khu vực Trung Ấn thì ma quỷ xuất hiện và gây chuyện khiến cho ngọn núi thiêng đã bị sạt lở xuống.

Lúc này Hoàng Thần Tài đã thể hiện được sự dũng cảm và dùng thân thể của chính bản thân mình để bảo vệ cho Đức Phật và chúng sinh trở về bình an vô sự.

Hoàng Thần Tài sau này cũng đã được Đức Phật ủy thác cho sử dụng Phật Pháp, kết hợp cùng với thần lực của bản thân để giác ngộ cho chúng sinh đói khát, nghèo khổ để họ có thể đi theo con đường của Phật Pháp. Đồng Thời Đức Phật cũng đã giao cho Hoàng Thần Tài làm Đại Hộ Pháp để giúp bảo hộ toàn bộ những dòng truyền thừa.

"Sự tích mùng 10 tháng giêng âm lịch"

Cúng vía Thần TàiTượng Thần Tài ở Việt Nam được tạo hình theo Tài Lộc Chân Quân. (Ảnh minh họa).

Chuyện kể rằng Thần Tài chỉ có trên trời, dưới trần gian không có, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc.

Trong một lần đi chơi uống rượu, do say quá nên Thần Tài bị rơi xuống trần gian, không may đầu bị va vào đá nên nằm mê mệt không biết gì, sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì lấy làm lạ và tưởng ngài bị điên.

Mọi người thấy vậy liền lột sạch hết quần áo mũ nón của Thần Tài và đem đi bán, Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và do bị va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai.

Do sống trên thiên đình quen rồi nên Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian nên thường đi lang thang xin ăn khắp nơi. Thần Tài đi ăn xin thì gặp một nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin thì được chủ nhà mời vào ăn.

Thần Tài được chủ quán cho ăn nên ông ra sức ăn rất nhiều đặc biệt là ông rất thích thịt heo vịt quay, điều kỳ lạ lúc này là khi ông vào quán này ăn thì không biết từ đâu khách kéo đến nườm nượp, người chủ quán thấy lạ nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn.

Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng từ hôm thần Tài đến ăn quán bên này thì khách bên đó lại chuyển hết qua quán bên này ăn.

Bàn thờ Thần Tài Phổ biến nhất ở các của hàng kinh doanh thì thường xuất hiện bàn thờ Thần Tài hướng quay cửa.

Sau một thời gian người bán hàng đắt khách và cảm thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày lại được ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lại hay thích lang thang không tắm giặt.

Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn nữa và lại thấy hao phí đồ ăn cho một người ăn mày không đáng nên người chủ quán liền đuổi ông đi.

Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy Thần Tài bị chủ quán bên kia đuổi thì liền mời Thần Tài vào ăn, cũng như lúc trước, mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn quán này rất đông.

Mọi người thấy vậy nên ai cũng ra sức tranh giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để có thể kéo khách đến ăn đông, vậy nên mới có câu "Thần Tài gõ cửa".

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn ông đi mua lại quần áo, được mọi người dẫn đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc lại quần áo mũ nón vào thì Thần Tài sựt nhớ lại mọi chuyện trước kia và bay về trời.

Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và họ lập bàn thờ, tôn thờ ông từ đó, hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới.

Ngày Thần Tài bay về trời cũng chính là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch. Do đó cứ hàng năm, hàng tháng nhà nhà mọi người điều lấy ngày mùng 10 làm ngày vía Thần Tài.

Ngày vía Thần tài

Với rất nhiều người đang kinh doanh buôn bán thì ngày vía Thần tài là ngày cực kỳ quan trọng, bởi ngày này không chỉ là ngày cảm ơn Thần tài đã phù hộ độ trì cho gia chủ trong năm qua, mà nó là ngày mong muốn đổi vía may mắn, vía Thần tài để cầu mong có thể làm ăn buôn bán thuận hòa, phát tài phát lộc.

Ngày vía Thần Tài năm 2024 (Giáp Thìn) là mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, nhằm đúng thứ Hai ngày 19 tháng 2 năm 2024 Dương lịch.

Thông thường vào ngày vía Thần tài này, người ta thường mua vàng để mong cầu may mắn, tài lộc cho công việc kinh doanh buôn bán của mình. Chính vì thế ngày này mà giá vàng thường cao hơn giá vàng thường ngày 1 chút, tuy nhiên mọi người cũng không nên quá sùng tín rủ nhau đi mua vàng ngày này, gây những nhiễu loạn thị trường vàng.

Vào ngày vía Thần Tài, cũng có nhiều gia đình lựa chọn việc mua thêm những món đồ phong thủy như đá phong thủy, tượng Thiềm thừ,... để mong một năm được làm ăn phát đạt và thêm sung túc, may mắn.

Không chỉ mua vàng, người ta còn mua mèo Thần Tài vào ngày này, đặc biệt là những hộ kinh doanh, buôn bán với mong muốn cầu tiền tài, may mắn trong công việc, mua bán thuận buồm xuôi gió.

Ý nghĩa của việc thờ Thần Tài

Tượng Thần Tài ở Việt Nam được tạo hình theo Tài Lộc Chân Quân. Râu tóc bạc phơ, tay cầm đĩnh vàng, vẻ mặt tươi vui, phúc hậu.

Thần tài mang yếu tố tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt nói riêng và các nước khu vực Đông Nam Á nói chung. Khác nhau ở hình ảnh và câu chuyện, nhưng cùng chung suy nghĩ, mong cầu.

Thờ Thần Tài để công việc hanh thông, được may mắn trong việc kinh doanh buôn bán, gặp được người sẵn sàng trợ giúp cho mình, sự nghiệp được thuận lợi, phát triển.

Mâm lễ cúng Thần Tài

Với những người mới lần chuẩn bị mâm cúng Thần Tài chắc chắn sẽ không khỏi băn khoăn không biết lễ cúng Thần Tài gồm những gì? Trên thực tế, lễ vật cúng Thần Tài hằng ngày, hằng tháng thường khá giản dị, chủ yếu tùy tâm người cúng. Riêng lễ cúng ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm là một lễ rất quan trọng, theo phong tục dân gian Việt Nam, mâm cúng Thần Tài trong ngày này cũng phải chuẩn bị chu đáo hơn với những lễ vật sau:

  • Nến (đèn cầy).
  • Hương thắp (nhang).
  • 3 cốc nước.
  • 3 cốc rượu.
  • Gạo (phải là gạo tẻ).
  • Tiền vàng mã.
  • Muối hạt sạch.
  • Thuốc lá.
  • Bộ tam sên: Gồm thịt heo luộc (thịt heo phải có cả mỡ, nạc, da), 3 quả trứng luộc, 3 con tôm.
  • Hoa tươi (có thể hoa cúc vàng, hoa đồng tiền…).
  • Tiền lẻ.
  • 1 đĩa bánh kẹo.
  • Trầu cau (1 quả cau, 1 quả trầu).
  • Xôi đậu xanh.

Tùy vào từng địa phương mà đồ lễ cúng Thần Tài cũng khác nhau như:

Ở nhiều nơi, người ta còn mua tôm, cua vào dịp vía Thần Tài. Tôm, cua đại diện cho yếu tố Thủy, là một trong những lễ vật được dâng cúng trong bộ tam sên. Vì thế những ngày gần tới mùng 10 tháng Giêng, giá tôm, cua tăng vọt nhưng vẫn cháy hàng. Tôm, cua mang ý nghĩa mang lại may mắn, nhiều tài lộc cho gia chủ.

Trong bộ tam sên cúng thần tài thì không thể nào thiếu trứng vịt. Trứng vịt đại diện loài có lông vũ bay trên trời, tượng trưng cho yếu tố Thiên. Vì thế, ngày vía Thần Tài, mọi người cũng tranh thủ lựa những quả trứng vịt to, tròn để làm mâm cúng, cầu tài lộc, tiền của.

Heo quay cũng là một lễ vật quan trọng trong mâm cúng ngày vía Thần Tài. Heo quay là một món ăn mà Thần Tài rất thích, tương truyền khi lưu lạc ở trần gian, heo quay là món ăn được Thần Tài yêu thích. Vì thế, ngày vía Thần Tài, mọi người thường cúng heo quay để cầu Thần Tài phù hộ cho tài lộc.

Người dân Nam Bộ quan niệm, cúng cá lóc nướng ngày vía Thần Tài sẽ mang đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Vì cá lóc là sản vật đặc trưng của miền Nam, khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện được lòng biết ơn thiên nhiên, từ đó mà thần linh sẽ cho mưa thuận gió hòa.

Văn cúng Thần Tài

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.

Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Con kính lạy Thần tài vị tiền.

Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là... ngụ tại...

Hôm nay là ngày... tháng... năm...

Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Theo các chuyên gia về phong thủy, thì thời điểm tốt nhất để làm lễ cúng là vào buổi sáng, cụ thể là từ 09h00 - 11h00, hoặc 11h00 - 13h00. Ngoài ra, 15h00 - 17h00 cũng là giờ tốt để cầu xin thần linh.

Vì sao mua vàng để cầu tài lộc ngày vía Thần Tài?

Cách cúng vía thần tài mùng 10 tháng Giêng

Cập nhật: 23/09/2024 Tổng Hợp
  • 3,98
  • 55.180