Để điều hành đội quân lớn chinh chiến khắp châu Âu, hoàng đế Napoleon đã tạo ra một bộ máy quân sự với những chính sách cực kỳ hiệu quả.
Lễ đăng quang của Napoleon. Ảnh: War History.
Cuộc chinh phạt do Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte phát động khác xa những cuộc chiến trước đó, khi quân đội của ông liên tục chiến đấu, tung hoành khắp châu Âu. Để quản lý đội quân lớn như vậy, Napoleon phải dựa vào rất nhiều người cùng một số cơ chế giúp bộ máy quân sự hoạt động trơn tru, theo War History.
Phá vỡ các quy tắc cơ bản của nền Cộng hòa
Napoleon trở thành người đứng đầu Cộng hòa Pháp thời hậu cách mạng, nhưng chính ông cũng là người phá hủy các quy tắc cơ bản của nền cộng hòa bằng cách tự phong mình làm hoàng đế và đề ra những quy định "phi dân chủ" để thâu tóm quyền hành đối với quân đội.
Theo chế định của nền cộng hòa, vai trò của người đứng đầu nhà nước được tách biệt khỏi quân đội, nhằm đảm bảo xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến. Thế nhưng, Napoleon lại là người hợp nhất hai chức danh này và không bao giờ tìm cách tách biệt chúng.
Việc đứng đầu nhà nước và quân đội giúp Napoleon đưa ra các biện pháp cần thiết để hỗ trợ chiến tranh và lực lượng tham chiến. Bất đồng giữa quân đội và chính phủ dân sự chấm dứt khi cả hai cơ quan đều dưới quyền điều hành của Napoleon.
Thành lập Bộ Chiến tranh
Bộ Chiến tranh là cơ quan dân sự thực hiện các chức năng kiểm soát cần thiết đối với quân đội. Nhưng từ năm 1802, Napoleon ra lệnh tách cơ quan này thành Bộ Chiến tranh và Bộ Quản lý Chiến tranh.
Bộ Chiến tranh phụ trách các lĩnh vực mang tính quân sự trực tiếp hơn trong quản lý quân đội, như tuyển quân, trả lương, đề bạt thăng tiến và điều chuyển lực lượng. Bộ Quản lý Chiến tranh đảm nhận các nhiệm vụ hậu cần như cung cấp lương thực, sắp xếp việc vận chuyển và thành lập bệnh viện.
Sau khi tách ra, cả hai cơ quan này đều có số lượng nhân sự tăng chóng mặt, từ 500 người vào năm 1802 lên 1.500 người vào năm 1814.
Thành lập các sư đoàn
Năm 1791, Napoleon thành lập 23 sư đoàn theo vị trí địa lý. Hệ thống này được Napoleon duy trì và mở rộng khi chiếm được lãnh thổ các nước láng giềng, tăng lên 32 sư đoàn vào năm 1811 và thêm 6 sư đoàn ở vương quốc Italy.
Mỗi vùng lãnh thổ đều lấy một thị trấn lớn làm trung tâm dưới quyền điều hành của một tướng cấp sư đoàn với sự hỗ trợ của các sĩ quan người địa phương. Nhiệm vụ của họ là phụ trách vấn đề quân sự ở địa phương, bao gồm cả việc tuyển quân.
Mở rộng thành phần đội ngũ sĩ quan
Đội ngũ sĩ quan đóng vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo và tổ chức. Napoleon đã dung hòa được các nhân tố truyền thống và mới mẻ trong quân đội của mình.
Rất nhiều quý tộc, tầng lớp sĩ quan truyền thống, là tướng dưới quyền của Naopleon. Hơn 75% tướng phục vụ trong quân đội trước thời cộng hòa, trong đó có 20-30% được phong tước quý tộc. Tuy nhiên, nhiều tướng cũng xuất thân từ tầng lớp lao động và nô lệ.
Phần đông đội ngũ sĩ quan dưới thời Napoleon xuất thân từ tầng lớp trung lưu và tiểu tư sản. Sự thông minh và giáo dục là yếu tố quan trọng, vì thế ông sẵn sàng kết hợp giới quý tộc cũ với sĩ quan bình thường để có được những nhân tài tốt nhất.
Thăng tiến và vinh danh
Trong chế độ cộng hòa, việc thăng tiến dựa trên tài năng, công trạng và đề cử từ quân đội. Napoleon bỏ qua tiêu chuẩn cuối nhưng vẫn duy trì hai tiêu chí đầu tiên.
Napoleon cùng các binh sĩ tại Wagram. Ảnh: War History.
Ông kiểm soát chặt tiêu chí đề bạt và thăng tiến, đích thân lựa chọn tướng lĩnh, chỉ huy quân đoàn và 1/3 sĩ quan cấp đại đội. Sự dũng cảm và tuổi quân là yêu cầu trên lý thuyết để thăng cấp. Tuy nhiên, Napoleon tập trung vào trình độ giáo dục và tư duy nhạy bén trong của các chỉ huy, chú trọng bổ nhiệm những người thuộc tầng lớp thượng lưu vào vị trí sĩ quan hàng đầu, do họ được đào tạo chính quy.
Với việc áp dụng vinh danh là nguyên tắc đạo đức trung tâm của quân đội, Napoleon dường như quay trở lại chế độ quân chủ cũ khi chú trọng vinh quang, sự dũng cảm và thành tích cá nhân, thay vì sự phục tùng và chủ nghĩa yêu nước bình đẳng của những người cộng hòa.
Các chiến binh vĩ đại trong quá khứ và hiện tại đều được vinh danh, giúp Napoleon xây dựng văn hóa quân đội phù hợp với tham vọng của binh sĩ, khuyến khích hành động thông minh, dũng cảm mà ông tin sẽ giúp quân đội giành chiến thắng.