Năm 2118: Đây sẽ là những gì xảy ra với thế giới của chúng ta sau 100 năm nữa

Với tốc độ phát triển như hiện nay, thế giới sẽ trở nên cực kỳ khác biệt trong thế kỷ tiếp theo.

Nếu so sánh với năm 1918, công nghệ con người đang có hiện nay rõ ràng là một sự phát triển vượt bậc. Vậy 100 năm sau - tức năm 2118 thì sẽ như thế nào?

Dưới đây là một số dự đoán của các nhà khoa học về cách thức mà công nghệ sẽ định hình lại thế giới trong thế kỷ tới.

1. Kỉ nguyên của điện toán lượng tử

Tính toán lượng tử là kỹ thuật tính toán dựa trên các quy luật của cơ học lượng tử, sử dụng các hệ vật lý gọi là qubit, giúp chúng ta có thể lưu trữ được một lượng lớn thông tin, đồng thời tạo ra các bộ vi xử lý nhanh hơn rất nhiều (khoảng 1 triệu lần) so với những gì mà đang có ngày nay.

Chính vì thế, lượng tử được xem là công nghệ của tương lai. Theo như dự đoán, tính toán lượng tử sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về thế giới.

Trên thực tế, chẳng ai có thể đoán chính xác được những gì con người sẽ làm với hệ thống dữ liệu đồ sộ khi đó. Nhưng chắc chắn với tiềm năng mà lượng tử mang lại, chúng ta sẽ có được lời giải cho những câu hỏi mang tầm vóc vũ trụ.

2. Chúng ta thực sự sẽ tối ưu được bộ não

Chúng ta thậm chí sẽ không cần phải chờ đến một thế kỷ nữa để chứng kiến bộ não của con người được tích hợp hoàn toàn với các thiết bị điện tử.

Hiện tại, công nghệ giao tiếp giữa não và máy tính (Brain-Computer Interfaces – BICs) đã thật sự không còn là chuyện viễn tưởng. Theo đó, chúng ta đã có những thành công nhất định khi giúp các bệnh nhân đột quỵ hồi phục và hoạt động bình thường chỉ nhờ vào các cảm biến nhân tạo.

Trong tương lai, khi công nghệ này trở nên phổ biến, việc tích hợp giữa máy móc và con người có thể thay thế hoàn toàn chu trình tiến hóa tự nhiên của loài người.

3. Giao thông tự động

Cơ sở hạ tầng và các phương tiện đi lại sau 100 năm nữa chắc chắn sẽ phát triển hơn ngày nay rất nhiều. Vào năm 2118, các nhà khoa học dự đoán con người sẽ chuyển sang sử dụng xe điện tự lái, thay vì phương tiện điều khiển như chúng ta ngày nay.

Tại nhiều nơi trên thế giới, các thành phố cũng trở nên thông minh hơn với sự xuất hiện của đường cao tốc năng lượng mặt trời, có thể sạc điện cho ô tô chạy.

Ngoài ra, các cấu trúc bê tông tự phục hồi và các ổ gà có thể tự lấp đầy. Nói chung, mọi thứ sẽ được tự động hóa hoàn toàn.

4. Cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI)

Trong những thập kỷ tới, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tự động hóa nhiều công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực lắp ráp hay thu thập dữ liệu. Để bù đắp cho tình trạng thất nghiệp của người lao động do hậu quả của tự động hóa, một số quốc gia có thể áp dụng chế độ thu nhập chung cơ bản (UBI) – một hệ thống trợ cấp cho mỗi người một khoản tiền nhỏ mà không phải lao động.

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực như y học, robot sẽ không thể thay thế được con người. Một giả thuyết hợp lý hơn là trí tuệ nhân tạo sẽ không ngừng tích lũy kinh nghiệm, để dần dần trở nên hoàn thiện hơn trong công việc - dù vẫn phải được con người kiểm soát.

Bên cạnh đó, những công việc nặng nhọc cũng sẽ được thay thế nhờ máy móc. Một trí thông minh nhân tạo kết hợp với một khung xương vật lý có thể thay thế con người làm các công việc như tháo dỡ hàng trong nhà máy, hoặc xây dựng cầu đường – vốn được biết đến là công việc có nguy cơ tai nạn cao.

5. Thời đại của công nghệ in 3D

Máy in 3D sẽ được sử dụng phổ biến trong các phòng thí nghiệm khắp thế giới. Mặc dù giá thành cao ở thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai mọi thứ sẽ thay đổi. Hơn nữa, đây được coi như một khoản đầu tư dài hạn nhờ ứng dụng tiềm năng trên mọi lĩnh vực.

Thậm chí chúng ta có thể in được thực phẩm luôn

6. Ứng dụng công nghệ y sinh cấp cao

Sử dụng phương pháp tiếp cận y học với độ chính xác cực cao, ví dụ như công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR, các nhà khoa học sẽ phát triển phương pháp điều trị ung thư phù hợp với từng bệnh nhân, ở cấp độ di truyền học.

Tức là, các phương pháp trong tương lai sẽ có hiệu quả rất lớn, vì nó hướng đến từng người riêng biệt.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ sống trong một môi trường an toàn. Các yếu tố bên ngoài như sự nóng lên toàn cầu, các bệnh truyền nhiễm, thậm chí là chiến tranh có thể làm giảm tuổi thọ của con người trong 100 năm tới.

7. Trái đất nóng lên

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi trái đất của chúng ta. Một nghiên cứu trong năm 2015 đã dự đoán rằng mùa hè ở Greenland lạnh giá có thể chẳng còn một mẩu băng tuyết vào năm 2050.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng trở nên phổ biến. Còn mực nước biển trên thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm gần 1m vào năm 2100, nghĩa là hơn 4 triệu người trên thế giới sẽ mất chỗ dung thân.

Nếu nhân loại vẫn còn muốn Trái đất là ngôi nhà của mình, thì có lẽ ngay từ lúc này, chúng ta cần phải thay đổi rồi. Trái đất đang đứng trước một cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi những hành động thận trọng, nhưng khẩn thiết.

8. Con người sẽ từng bước khám phá hệ Mặt trời và nhiều hơn thế nữa

Con người vốn luôn bị mê hoặc bởi những gì tồn tại ngoài không gian vũ trụ. Trong thế kỷ tiếp theo, có lẽ không gì kích thích bằng những tiến bộ ta đạt được trong thăm dò không gian.

Như đã biết, chúng ta đang nung nấu ý định đưa con người lên sao Hỏa sinh sống. 100 năm không phải là dài cho những bước chuẩn bị để thực hiện kế hoạch đó, đặc biệt là khi con người còn chưa chắc chắn về điều kiện sống thực sự trên hành tinh này.

Trong 100 năm tới, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về các thiên thể xa xôi thông qua các kính viễn vọng hồng ngoại. Khi du lịch vũ trụ trở nên phổ biến và giá cả mỗi chuyến đi phải chăng hơn, chúng ta có thể thăm thú những hành tinh mà trước đây chỉ có thể nhìn ngắm từ xa trên Trái đất.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra là chúng ta sẽ gặp ai, hoặc cái gì trên những hành trình đó?

Cập nhật: 24/01/2018 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video