Vì sao nọc ong vò vẽ có thể gây chết người?

Nạn nhân bị ong vò vẽ đốt cần được cấp cứu sớm vì có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ và tử vong nhanh chóng.

Mới đây, thông tin một người đàn ông 23 tuổi, ngụ tại Yên Hòa, Thanh Hòa, Thanh Chương, Nghệ An, bị ong vò vẽ đốt tử vong khiến nhiều người lo lắng. Trước đó, người này bị ong đốt một mũi vào bắp chân khiến cơ thể sưng vù và nôn mửa.

Cách nhận biết ong vò vẽ

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết ong là loài động vật không xương sống, gồm 2 họ chính là ong vò vẽ và ong mật.

Ong vò vẽ (tên khoa học là Vespa affinis) có bụng thon, khoang đen xen kẽ màu vàng. Chúng có đầu rộng bằng ngực, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.


Ong vò vẽ là loài hung dữ và hay tấn công người nếu bị tác động. (Ảnh: Flickr).

Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây, bụi cây hoặc trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, hình dáng như trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.

Thông thường, chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ của chúng bị phá hoặc đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút bởi màu sặc sỡ, nước hoa. Đặc biệt, chúng sẽ đuổi theo những người, động vật bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.

Theo bác sĩ Tiến, nọc ong vò vẽ có chứa nhiều độc tố như Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonine, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin.

Những độc tố này khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp.

Thông thường, nạn nhân bị ong vò vẽ đốt có vết hoại tử màu trắng, viền đỏ xung quanh, phù nề. Các tổn thương này tồn tại trên da từ vài ngày đến vài tuần.

Nếu bị nhiều nốt đốt, cơ thể có thể bị phù nề chi hoặc toàn thân. Ong đốt vào vùng hầu họng sẽ gây phù nề, khó thở do co thắt thanh quản. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đục màng trước, áp-xe thủy tinh thể, thủng nhãn cầu, rối loạn khúc xạ... khi bị đốt vào mắt.


Người bị ong vò vẽ đốt có thể tử vong nhanh chóng do sốc phản vệ. (Ảnh: AP).

Các triệu chứng cục bộ nặng nhất rơi vào khoảng 48-72 giờ sau khi bị ong đốt và có thể kéo dài hàng tuần. Nguy hiểm hơn, khi nọc ong châm thẳng vào mạch máu, các triệu chứng diễn biến rất nhanh và nặng.

Triệu chứng phản vệ thường xảy ra sau khi bị ong đốt từ vài phút đến vài giờ. Nạn nhân có nguy cơ tử vong trong giờ đầu xảy ra sốc phản vệ.

Vết thương do ong vò vẽ đốt không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng. Quan trọng nhất là nhanh chóng được tiêm bắp Adrenalin, truyền dịch, hỗ trợ hô hấp và lọc máu nếu diễn biến nặng.

Tiên lượng tình trạng của bệnh nhân phụ thuộc vào số lượng vết đốt, vị trí và biện pháp điều trị, bệnh nền... Thông thường, nọc độc ong vò vẽ nặng hơn các loài khác như ong vàng, ong nghệ, ong bầu...

Làm gì khi bị ong vò vẽ đốt?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến hướng dẫn khi bị ong vò vẽ đốt, bạn cần nhanh chóng lấy vòi chích bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra. Chuyên gia này lưu ý bạn cần tránh nặn ép vết đốt bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

Sau đó, vùng bị đốt cần được rửa sạch bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết thương để giảm sưng, đau. Trường hợp bị ong đốt nhiều vết, có biểu hiện nổi mề đay, tay chân lạnh, nước tiểu màu đỏ, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Để tránh bị ong vò vẽ đốt, bạn không nên mặc quần áo có màu sắc sặc sỡ khi đi chơi, du lịch miền quê, trong rừng; không nên đến gần tổ ong, ném, phá hay lấy que chọc vào chúng. Tại khu vực sống, bạn nên phát quang những tổ ong xung quanh nhà, trong vườn. Nếu bị ong tấn công, bạn cần nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở.

Cập nhật: 07/10/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video