Phi hành đoàn của con tàu vũ trụ Soyuz TMA-11 đã họp báo tại thành phố Ngôi Sao hôm 22-4 để kể về cuộc hạ cánh. Hôm 19-4, vì những lý do kỹ thuật, họ đã đáp xuống trễ hơn, không theo qui trình bình thường mà theo "quĩ đạo của đường đạn" và không rơi đúng vị trí qui định.
Họ chỉ được tìm thấy 40 phút sau đó. Tại cuộc họp báo, ba thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm về cú tiếp đất mà họ gọi là "hạ cánh cứng" này.
"Hạ cánh cứng"
Từ trái sang: Yuri Malenchenko (Nga), Peggy Whitson (Mỹ) và Yi So Yeon (Hàn Quốc) tại cuộc họp báo ở thành phố Ngôi Sao (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, đối với thành viên "mới cáu" của phi hành đoàn và của những chuyến bay vũ trụ, nữ phi hành gia Hàn Quốc Yi So Yeon, cuộc hạ cánh gặp sự cố này đã mang tới một kinh nghiệm nhớ đời. Cô kể đã sợ sẽ bị chết cháy trong khoang trung tâm: "Lúc đầu tôi sợ lắm vì lửa cháy phừng phừng ngoài khoang tàu. Tôi nghĩ biết đâu chúng tôi có thể chết cháy? Nhưng khi nhìn sang Yuri Malenchenko và Peggy Whitson, thấy gương mặt họ chẳng lo lắng gì, tôi mới yên lòng". Yi So Yeon còn kể thêm khi hạ cánh, trong tàu Soyuz TMA-11 chẳng ấm lên chút nào mặc dù bên ngoài lửa cháy dữ dội.
Phi hành gia Nga Yuri Malenchenko nhận xét cú hạ cánh trên "chẳng có gì đáng sợ" vì đó là một trong những "phương pháp tiếp đất bình thường". Malenchenko khẳng định việc hạ cánh như trên không phải do thao tác của phi hành đoàn và "thời gian sẽ trả lời tại sao".
Vật thể lạ
Thiết bị hạ cánh của con tàu có người lái Soyuz TMA-11 đáp xuống một vị trí cách nơi qui định là Arkalyk (Kazakhstan) tới 420km, trên một cánh đồng. Những kiểm soát viên chuyến bay mất liên lạc với phi hành đoàn trong một giờ khi khoang của họ hạ cánh, do đó người ta không biết phi hành đoàn đã đáp xuống đâu.
Các chuyên gia quanh khoang tàu vừa đáp ở phía bắc Kazakhstan - (Ảnh: Reuters) |
12 trực thăng, ba máy bay và sáu ôtô của Cơ quan điều khiển hàng không vũ trụ Nga đã được cử đi tìm họ. 40 phút sau người ta mới tìm thấy phi hành đoàn.
Họ đã tự thoát ra khỏi thiết bị hạ cánh của con tàu và đang loay hoay trước sự hiếu kỳ của cư dân địa phương. "Chúng tôi tự thoát ra khỏi khoang tàu. Tôi thấy người dân địa phương lái ôtô lại gần dò xét, đâu khoảng 15 người. Họ rất ngạc nhiên không biết chúng tôi là ai. Một người chỉ vào khoang tàu rồi hỏi: "Nó là thuyền phải không?". Người thứ hai hỏi chúng tôi "nhảy xuống đây từ đâu vậy, máy bay à?" - phi hành gia Nga Yuri Malenchenko kể - Chúng tôi giải thích chúng tôi là phi hành gia từ Trạm không gian quốc tế (ISS). Họ gật đầu, sau lại hỏi chúng tôi từ đâu tới vì họ vẫn không tin chúng tôi bay xuống từ... vũ trụ. Chỉ khi thấy bộ quần áo phi hành gia của chúng tôi, họ mới hiểu chúng tôi là ai".
Quĩ đạo đường đạn
Sự cố lặp lại Trong lịch sử ISS, từng có hai lần xảy ra sự cố như kiểu hạ cánh vừa qua, năm 2003 và 2007. Do đây là con tàu của Nga, nên các chuyên gia vũ trụ Mỹ không muốn đồn đoán nguyên nhân, mà đang chờ kết quả phân tích kỹ thuật của Nga. Nhiều nhà quan sát Mỹ đã bày tỏ lo âu. NASA đang có kế hoạch cho tàu con thoi "nghỉ hưu" sau năm 2010, và chỉ dựa vào tàu Soyuz để đưa rước các phi hành gia Mỹ lên ISS và trở về. Tàu vũ trụ mới của NASA chỉ được hoàn thành sớm lắm là vào năm 2015. Trong một trả lời phỏng vấn, một giám đốc của NASA là Bill Gerstenmaier cho rằng sự cố này không phải là nguy hiểm, và kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra từ phía Nga. |
Theo CBS, trước khi vào khí quyển trái đất để chuẩn bị cú đáp, phi hành đoàn cho nổ các chốt lửa để tách các mối nối của ba khoang trên con tàu. Chỉ khoang trung tâm (có các phi hành gia) được chế tạo để chịu đựng được độ rung của khoang tàu khi trở về khí quyển, hai khoang kia, trên và dưới, sẽ cháy trong không trung.
Một chuyến trở về bình thường, được điều khiển, là khi khoang trung tâm hạ cánh nhẹ nhàng, dần dần. Vấn đề quan trọng nhất là khi con tàu trở về khí quyển với vận tốc 828km/g, Soyuz có nhiệm vụ đáp xuống chậm lại 5,4km/mỗi giờ nhờ một tên lửa đẩy lùi và nhờ dù.
Tuy nhiên, một tờ báo Hàn Quốc dẫn lời ông Choi Gi Hyuk, giám đốc Viện Các chương trình phi hành gia Hàn Quốc, nói tên lửa đẩy của Soyuz TMA-11 đã không hoạt động sau khi con tàu bay về khí quyển trái đất, tận đến khi dù mở. Vì thế Soyuz đã đâm thẳng xuống đất, còn được gọi là hạ cánh theo đường đạn - cắm sâu 30cm trong đất. Chỉ hai giây trước khi hạ cánh, tên lửa đẩy này mới làm việc, nhưng khi đó đã quá muộn để giảm tốc.
Việc đáp xuống không điều khiển được, nhanh và sâu, khiến phi hành đoàn phải chịu một lực gấp 10 lần sức hút Trái đất, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là đối với những người đã ở trong tình trạng không trọng lực khá lâu. Đó là điều mà chỉ huy người Nga Yuri Malenchenko và phi hành gia Mỹ Peggy Whitson, những người đã ở trên ISS sáu tháng, phải chịu đựng. Trong khi đó, ảnh hưởng với Yi So Yeon có thể nhẹ hơn vì cô chỉ ở trên vũ trụ 11 ngày.
Ng. Thanh (Theo Interfax, Itar Tass, CBS, Tuổi trẻ)