Một nghiên cứu của Khoa Khoa học nhận thức thuộc Trường ĐH Johns Hopkins, Hoa Kỳ vừa phát hiện khả năng định hướng của con người có liên quan đến một loại gien hiếm trong bộ nhiễm sắc thể.
Theo các nhà khoa học, từ 18 tháng tuổi, con người đã có khả năng hình dung bằng ý nghĩ về hình dạng, cách bố trí của không gian xung quanh để xác định nơi mình đang đứng cũng như tìm hướng đi đúng. Đây là một trong những khả năng nhận thức cơ bản của con người và lần đầu tiên đã được giải thích là do một loại gien hiếm trong nhiễm sắc thể quy định.
Để chứng minh, nghiên cứu đã tiến hành trên những người bị mắc hội chứng Williams, tức là một hội chứng bị rối loạn hoặc khiếm khuyết loại gien hiếm đó, chỉ xảy ra với tỉ lệ 1/7.500 trẻ sơ sinh. Kết quả cho thấy người bị mắc hội chứng này rất giỏi trong việc ăn nói và công tác xã hội nhưng lại gặp khó khăn với những nhiệm vụ như lắp ráp những mảnh xếp hình đơn giản, sao chép những hình mẫu và đặc biệt là rất kém trong khả năng định hướng.
Họ dường như không hình dung được hình dạng cũng như cách bố trí của những không gian dù vô cùng đơn giản, thậm chí tìm những vật dụng một cách rất cẩu thả khác hẳn với những người bình thường.
Nghiên cứu quan trọng trên đã cung cấp bằng chứng khoa học về loại gien quy định khả năng định hướng của con người, từ đó mở đường cho những phương pháp để cải thiện và chữa trị cho những người bị mất năng lực sử dụng khả năng này.