Vì sao trẻ con có thể chạy nhảy suốt cả ngày mà không thấy mệt?

Phần lớn chúng ta đều nhận thấy trẻ con có thể chạy nhảy, chơi đùa hàng giờ liền mà hầu như không cần nghỉ ngơi. Với bố mẹ hoặc người trông trẻ thì điều đó thật mệt mỏi. Đó là do tình trạng sức khỏe hay còn nguyên nhân nào khác?

Các nhà nghiên cứu của Trường đại học Clermont Auvergne, Pháp, vừa công bố kết quả nghiên cứu của họ hôm 24/4 về hoạt động thể lực cường độ cao và sự phục hồi sức khỏe sau khi luyện tập của trẻ em và người lớn. Kết quả cho thấy trẻ em không chỉ thực hiện tốt hơn hầu hết người lớn mà còn làm tốt như vận động viên rèn luyện sức bền, thậm chí các em còn hồi phục sức khỏe nhanh hơn vận động viên.

Cơ bắp của trẻ em khác người lớn


Cơ bắp của trẻ em mệt mỏi chậm hơn so với người lớn.

Các thí nghiệm được tiến hành nhiều lần cho thấy, cơ bắp của trẻ em mệt mỏi chậm hơn so với người lớn. Kết quả này trái ngược với những gì mà khoa học dự đoán, ví dụ như theo suy luận lô-gic thì trẻ em có chân tay ngắn hơn nên phải bước/đạp nhiều hơn và vì thế về lí thuyết sẽ phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn; hay khi đang hoạt động mà muốn dừng lại thì trẻ em phải vận động cơ bắp mạnh hơn để kìm giữ chuyển động, do kĩ năng của chúng kém hơn người lớn, và vì thế phải sử dụng nhiều năng lượng hơn.

Vậy thực tế cơ bắp của trẻ hồi phục thế nào?

Các bài tập hô hấp hiếu khí và hô hấp kị khí

Một cách giải thích hợp lí cho việc trẻ em có cơ bắp dẻo dai là do cách mà cơ thể trẻ em sử dụng năng lượng khác không giống cơ thể người lớn.

Đường hô hấp kị khí (không cần đến oxy) sản sinh ra nguồn năng lượng lớn mà không cần oxy, nhưng lại có xu hướng gây ra mỏi cơ nhanh chóng. Ví dụ: những người chạy nước rút dựa vào sự trao đổi chất kị khí để chạy nhanh trên một quãng đường ngắn. Đường hô hấp hiếu khí (cần có oxy) có xu hướng sản sinh năng lượng ở tốc độ thấp hơn nhưng cho phép chúng ta làm việc trong nhiều giờ mà cơ bắp không bị mỏi mệt, giống như chạy marathon.

Các nghiên cứu hiện nay cho biết có khả năng là trẻ em lấy năng lượng từ đường hiếu khí nhiều hơn so với người lớn, làm giảm thiểu sức chịu mỏi nhờ hô hấp kị khí. Bộ máy hiếu khí của trẻ cũng được khởi động nhanh hơn người lớn, vì thế trẻ không cần dựa vào chuyển hóa kị khí khi bắt đầu vào bài tập luyện. Có được ưu điểm này một phần là do trẻ em có tỉ lệ sợi cơ thuộc nhóm co rút chậm cao hơn so với người lớn, các sợi cơ này mang nhiều hoạt động của các enzyme điều khiển việc giải phóng năng lượng từ đường hiếu khí.

Các phát hiện đó củng cố cho suy luận rằng khi thực hiện cùng một bài tập, cơ bắp của trẻ có hoạt động giống như cơ thể các vận động viên sức bền, cơ thể của trẻ có nhiều đặc điểm giống như vận động viên.

Suy luận khoa học đó đã được chứng minh qua nghiên cứu nói trên. Các nhóm đối tượng của nghiên cứu bao gồm: trẻ em (trung bình 10,5 tuổi), thanh niên (21,2 tuổi) có cùng mức độ hoạt động thể lực như trẻ em, và các nam vận động viên thể thao sức bền có độ tuổi và chiều cao tương đương các thanh niên kia (21,5 tuổi). Cả ba nhóm cùng hoàn thành 2 bài kiểm tra đạp xe tại chỗ.

Trong bài kiểm tra đầu tiên, cường độ năng lượng sử dụng được tăng liên tục cho đến khi hết sức. Trong bài kiểm tra thứ hai, các đối tượng tham gia đạp xe nước rút dốc sức trong vòng 30 giây. Qua hai bài tập, các nhà nghiên cứu đo các phản ứng sinh lí của cơ thể và đánh giá cả tốc độ mỏi mệt cũng như phục hồi.

Họ nhận thấy rằng trẻ em và các vận động viên mỏi mệt như nhau trong bài đạp xe dốc sức nhưng ít hơn nhiều so với thanh niên không luyện tập chuyên nghiệp. Số liệu cũng cho thấy phần năng lượng phát sinh từ đường hô hấp hiếu khí trong bài đạp xe 30 giây của trẻ em và vận động viên là như nhau, nhưng nhiều hơn của thanh niên không luyện tập.


Cơ bắp của trẻ em hồi phục rất nhanh sau khi tập các bài cường độ cao.

Như vậy có thể thấy rằng tốc độ mệt mỏi ở trẻ em và vận động viên khi tập cường độ cao là giống nhau, và điều này có liên quan đến sự sản xuất mạnh mẽ nguồn năng lượng từ đường hiếu khí.

Số liệu thu thập trong quá trình hồi phục cũng cho thấy những kết quả đáng ngạc nhiên. Tốc độ sử dụng oxy giảm sau khi tập luyện của trẻ em và vận động viên là như nhau. Tốc độ nhịp tim trở về bình thường và chỉ số lactate (một hợp chất liên quan đến mức độ mỏi mệt cơ bắp) được làm sạch trong máu của trẻ em thậm chí còn nhanh hơn của vận động viên, và nhanh hơn rất nhiều so với thanh niên không luyện tập.

Các số liệu này cho thấy cơ bắp của trẻ em hồi phục rất nhanh sau khi tập các bài cường độ cao và có thể giải thích vì sao trẻ em dễ dàng có sức tập lại bài tập trong khi hầu hết người lớn vẫn tiếp tục thấy kiệt sức.

Cơ bắp trẻ em hoạt động ra sao?

Kết quả nghiên cứu đưa ra những lí lẽ khá thuyết phục để làm sao tối ưu hóa khả năng tập luyện và hoạt động của trẻ em.

So với người lớn, trẻ em có thể được lợi nhờ các bài tập ngắn, cường độ cao để thúc đẩy khả năng hô hấp kị khí, và sự tập trung vào kĩ năng chuyển động, sức mạnh cơ bắp và các tố chất thể chất khác. Mặt khác, người lớn có thể cần chú trọng hơn vào việc nâng cao khả năng hô hấp hiếu khí của cơ bắp.

Nghiên cứu trên cũng giúp nhận biết thêm nhiều vấn đề về sức khỏe, như là:

  • Các bệnh chuyển hóa, trong đó có bệnh tiểu đường và nhiều dạng ung thư đang ngày càng phổ biến hơn ở người lớn nhưng vẫn còn rất hiếm gặp ở trẻ em.
  • Việc cơ bắp mất khả năng hô hấp hiếu khí khi cơ thể chuyển từ giai đoạn là trẻ con sang giai đoạn mới trưởng thành có thể là lúc có nguy cơ mắc phải các bệnh chuyển hóa.
  • Trong tương lại, việc khám phá mối liên hệ giữa phát triển cơ bắp với bệnh tật, và kiểm tra xem việc luyện tập cơ bắp trong giai đoạn là trẻ con thông qua các bài tập phù hợp có thể là phương thuốc tốt nhất phòng tránh bệnh tật về sau.
Cập nhật: 27/04/2018 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video