Cũng như nhiều điều khác trong lịch sử, chúng ta không thể hiểu chính xác 100% cúc quần áo của nam và nữ lại được bố trí ngược nhau. Áo của nữ thường có hàng cúc ở bên trái, còn áo của nam thường có hàng cúc ở bên phải. Có một số giả thuyết xung quanh chuyện cúc áo này.
Cho đến nay, giả thuyết được xem là hợp lý nhất khi bố trí hàng cúc đối ngược nhau trên quần áo của nam và nữ là do thời ngày xưa, váy áo của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ thượng lưu thường có rất nhiều tầng, vì thế họ rất cần một người hầu gái giúp đỡ khi mặc váy áo. Vì thế, áo váy của phụ nữ có cúc ở bên trái để thuận tiện cho người hầu gái giúp đỡ họ, nhất là những người thuận tay phải. Trong khi đó, quần áo của nam giới có cúc ở phía bên phải, bởi vì hầu hết nam giới thường tự mặc quần áo.
Cách giải thích trên có vẻ hợp lý, song vẫn không tránh khỏi những thắc mắc. Chẳng hạn, không phải phụ nữ thời xưa nào cũng có người hầu gái. Một lập luận khác ủng hộ quan điểm này cho rằng dù không phải phụ nữ nào cũng thuộc tầng lớp thượng lưu, song những phụ nữ thượng lưu có váy áo với hàng cúc ở bên trái và vì thế, dù không có hầu gái hay đầy tớ, thì những phụ nữ khác vẫn muốn mặc những bộ váy áo thịnh hành tương tự với hàng cúc ở bên trái.
Khuy áo của phụ nữ luôn nằm bên trái.
Có điều, giả thuyết trên dường như đã bỏ qua một thực tế khá quan trọng – đó là những người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu luôn được người khác giúp đỡ khi mặc quần áo và quần áo của họ còn có rất nhiều cúc – đặc biệt là những bộ trang phục châu Âu trước thế kỷ 19 khi váy áo của phụ nữ lúc đó rất hiếm khi có cúc.
Chắc chắn quần áo của các đấng nam nhi ở thời đại này không cần đến nhiều lớp lót như với phụ nữ, tuy nhiên cho rằng các quý ông, đặc biệt là những người ở tầng lớp trên, không có người hầu để giúp họ cài cúc áo khoác và áo ghi-lê là không chính xác. Và tại sao các quý ông thượng lưu này lại phải nhờ đến những người hầu gái khi mặc quần áo – những người có tương đối ít cúc – mà không phải là những người đầy tớ nam, những người có nhiều cúc?
Hơn nữa, tại sao vào khoảng đầu đến giữa thế kỷ 19, những người thuộc tầng lớp thượng lưu và đầy tự trọng này lại bắt đầu tự mặc quần áo mà không cần nhờ đến người hầu, tại sao lại không phải là sớm hơn? Cho đến thế kỷ 18 có vô số quần áo của phụ nữ trang bị hàng cúc ở bên phải, và quần áo nam giới cũng vậy. Nhưng đến nửa đầu thế kỷ 19, điều này bắt đầu thay đổi, và đến nửa sau của thế kỷ 19, quần áo phụ nữ bố trí cúc ở bên trái đã trở nên gần như thịnh hành.
Một giả thuyết phổ biến khác là, quần áo phụ nữ được thiết kế với hàng cúc ở bên trái để những người phụ nữ thuận tay trái có thể tự cài cúc cho mình – đó cũng là dấu hiệu cho thấy những phụ nữ thuận tay trái không được xem là có cùng đẳng cấp như nam giới. Trong lịch sử, những người thuận tay trái thường bị ấn tượng là xấu xa.
Tiểu thư đài các xưa kia không cần phải tự mặc đồ.
Ngoài ra, cũng có người cho rằng khi con người có thể sản xuất hàng loạt quần áo với sự trợ giúp của máy khâu, người ta phải quyết định rằng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa trang phục của nam và nữ trong cách bố trí hàng cúc, nhằm đảm bảo phụ nữ không quên "vị trí của họ".
Dù vậy, lý thuyết này vẫn chứa đựng nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nó không tính đến chuyện nhiều thợ may thời đó là phụ nữ, cũng như nhiều nhà thiết kế và thợ thủ công lúc đó là nữ. Hơn nữa, phần lớn phụ nữ lúc đó có thể may và thường tự may quần áo cho họ, vì thế họ không cần thiết phải tự nhắc nhở mình về vị trí thấp kém hơn nam giới.
Còn một giả thuyết nữa tương tự như giả thuyết đầu tiên, đó là việc quần áo có cúc ở hai bên trái ngược nhau là một dấu hiệu xã hội cho thấy một người nào đó giàu có đến nỗi họ không cần phải tự mặc quần áo.
Giả sử các lựa chọn thời trang trong thời đại này bị lý do trên chi phối, nên việc chuyển vị trí của cúc không xảy ra, và quần áo phụ nữ ngày càng phức tạp, yêu cầu phụ nữ phải đứng một lúc để những người hầu gái mặc váy áo cho họ và chuẩn bị trang phục trong ngày cho họ. Dần dần đã hình thành quan niệm họ không chỉ phải có tiền để nuôi những người đầy tớ, mà họ còn phải đảm bảo những gì họ làm là tốt nhất.
Giờ đây, áo nam khuy phải, áo nữ khuy trái đã thành một quy luật bất thành văn.
Cuốn sách "Theory of the Leisure Class" (Giả thuyết về tầng lớp thượng lưu) xuất bản năm 1899 của Thorstein Veblen đã cho rằng mục đích của phụ nữ thế kỷ 19 đối với các quý ông đơn giản là chứng minh gia đình họ giàu có như thế nào. Vì thế, không có cách gì tốt hơn là những bộ váy áo đắt tiền và phức tạp, sau đó là đảm bảo họ không phải làm gì vì mọi thứ đã được đầy tớ thực hiện.
Lịch sử vào những năm 1840 – 1850 cho thấy có tỷ lệ 50/50 đối với việc cúc của váy áo phụ nữ ở bên phải hay trái. Đến những năm 1860, quần áo có hàng cúc bên trái đã rất thịnh hành. Điều này có thể do sự phổ biến của máy khâu vào lúc đó. Quần áo trở nên rẻ hơn và người bán lựa chọn cách bắt chước tầng lớp thượng lưu. Vì thế, việc quần áo của nam giới và phụ nữ có bố trí hàng cúc ở hai bên trái nhau trở nên phổ biến từ đó.
Nói tóm tại, lý do tại sao vị trí hàng cúc áo của phụ nữ và nam giới trái ngược nhau xuất phát từ cả góc độ thời trang và thói quen khi vài thế kỷ trước, cả phụ nữ và đàn ông thường mặc nhiều quần áo hơn chúng ta ngày nay. Tại sao truyền thống này lại kéo dài đến thời hiện đại, khi hầu hết phụ nữ thường tự mặc lấy quần áo? Câu trả lời cũng giống như lý do tại sao hầu hết mọi người vẫn đang gõ trên bàn phím QWERTY: Đó là thói quen. Không có lý do thực sự nào giải thích cho việc tại sao các nút áo không đổi vị trí, nó chỉ đơn giản là không ai buồn thay đổi một truyền thống mà chỉ có vài người để ý hoặc phàn nàn về nó.