Vì sao VN chưa có vệ tinh viễn thám?

Bên cạnh vệ tinh viễn thông (Vinasat) dự kiến phóng lên quĩ đạo vào năm 2008, đề án ứng dụng, phát triển công nghệ viễn thám tại VN đến năm 2010 dự kiến cũng sẽ phóng một vệ tinh viễn thám lên quĩ đạo trong năm 2005. Đến nay, việc triển khai đề án thực hiện đến đâu?

Ông Trần Công Duê phó vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ Khoa học - công nghệ), cho biết:

- Tháng 7-2003, Bộ Khoa học - công nghệ đã trình Chính phủ đề án Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ VT tại VN đến năm 2010. Đề án gồm hai dự án xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh, một dự án phóng vệ tinh viễn thám, một dự án nghiên cứu khoa học và một dự án đào tạo cán bộ.

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám và viễn thông, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Tài nguyên - môi trường xây dựng một trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám đặt tại Từ Liêm (Hà Nội) và giao Bộ Bưu chính - viễn thông triển khai dự án phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên của VN.

- Từ ngày 7 đến 11-11, Hội Viễn thám châu Á, Hội Trắc địa bản đồ viễn thám VN và Hội Địa lý VN sẽ đồng tổ chức Hội nghị viễn thám châu Á lần 26 tại Hà Nội. Song song với hội nghị này, Hội nghị vũ trụ châu Á lần 2 cũng được tổ chức tại Hà Nội. Hai sự kiện này có sự tham gia của 300 đại biểu quốc tế đến từ 40 nước.

- Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đầu tư dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat, tổng mức đầu tư 2.885 tỉ đồng. Vinasat sẽ được phóng lên quĩ đạo 1320E, phủ sóng khu vực các nước ASEAN, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, một phần Trung Quốc, đông châu Úc. Ngoài ra, để phục vụ hoạt động của Vinasat, hai trạm điều khiển vệ tinh cũng sẽ được xây dựng, đặt tại huyện Hoài Đức (Hà Tây) và huyện Bến Cát (Bình Dương).

?- Với tiến độ đang triển khai, bao giờ VN sẽ phóng vệ tinh viễn thám?

- Theo kế hoạch, VN sẽ phóng vệ tinh viễn thông Vinasat lên quĩ đạo trong năm 2008. Còn vệ tinh viễn thám loại nhỏ phải chờ Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chiến lược công nghệ vũ trụ của VN trước, sau đó mới lập dự án khả thi phóng vệ tinh viễn thám để trình duyệt theo qui định thông thường. Nếu cuối năm nay Thủ tướng phê duyệt chiến lược công nghệ vũ trụ và ngay đầu năm 2006 dự án phóng vệ tinh viễn thám được phê duyệt, ít nhất phải đến cuối 2007 hoặc đầu 2008 chúng ta mới có thể có vệ tinh viễn thám. Hiện nay đã có một hãng nước ngoài đang mong muốn hợp tác với VN trong việc chế tạo và phóng vệ tinh viễn thám.

?- Vệ tinh VT của VN dự kiến sẽ thuộc loại vệ tinh nào?

- Có nhiều loại vệ tinh nhỏ với kích cỡ khác nhau. VN sẽ chọn vệ tinh có trọng lượng khoảng 10-100kg, được phóng lên quĩ đạo cách Trái đất 300-1.500km, chu kỳ bay từ 90 phút đến 2 giờ, thường sử dụng quĩ đạo cực (từ bắc đến nam qua xích đạo).

Vệ tinh nhỏ có lợi thế dễ điểu khiển và rẻ. Đó là loại vệ tinh có thể quan sát được nhiều đối tượng, thu được ảnh phục vụ nhiều ngành kinh tế quốc dân như quản lý tài nguyên, dự báo thời tiết, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường, diễn biến thảm thực vật và cháy rừng, phòng chống thiên tai, đo đạc bản đồ, quản lý hệ thống giao thông... Kinh phí để phóng một vệ tinh này khoảng 6 triệu USD. Với vệ tinh trọng lượng 100-500kg, giá thành chế tạo và phóng lên quĩ đạo sẽ đắt hơn nhiều (20 - 40 triệu USD).

Điều đáng nói là mỗi lần tên lửa phóng vệ tinh nhỏ lên quĩ đạo thường phóng cùng một lúc ba vệ tinh. Do đó, nếu một mình VN phóng một vệ tinh sẽ rất tốn kém. Nếu chúng ta kết hợp với các nước lân cận để cùng phóng sẽ rất hiệu quả. Các vệ tinh này sau đó sẽ liên kết với nhau, chia sẻ thông tin với nhau, cung cấp cho chúng ta nhiều lớp thông tin.

Một phần Hà Nội chụp qua vệ tinh

?- Vệ tinh viễn thám sau khi phóng sẽ đóng góp như thế nào vào sự phát triển của nền kinh tế?

- Công nghệ viễn thám giúp chúng ta đảm bảo sự chủ động cao và kịp thời trong việc cung cấp những dữ liệu quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... mà không phải lúc nào cũng có thể mua hoặc xin các nước khác.

Hiện nay, theo tính toán chưa đầy đủ, kinh phí để mua ảnh viễn thám của các ngành kinh tế ở nước ta hằng năm cần tới hàng triệu USD. Do không có một đầu mối thống nhất nên mạnh ai người nấy mua. Thậm chí cơ quan này có rồi nhưng cơ quan khác không biết, vẫn phải đi mua nên việc khai thác sử dụng không hiệu quả. Đúng ra phải có một cơ quan đứng ra mua để biết cái nào có rồi, cái nào chưa có mới đỡ tốn kém. Do đó, khi phóng được vệ tinh viễn thám và có trạm thu ảnh viễn thám, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí phải bỏ ra hằng năm.

?- Xin cảm ơn ông.

KHIẾT HƯNG thực hiện

Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video