Giáo sư Yoichiro Nambu, một trong ba người nhận giải Nobel vật lý. Ảnh: Reuters.
Ba nhà khoa học được trao giải thưởng do có công lao trong việc giải thích hành vi của các hạt hạ nguyên tử, một phát hiện quan trọng đối với vật lý hiện đại.
Yoichiro Nambu, giáo sư danh dự tại Đại học Chicago (Mỹ), nhận một nửa số tiền thưởng vì phát hiện cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát ở các hạt hạ nguyên tử - công trình mà ông đã thực hiện cách đây gần nửa thế kỷ. Phát hiện của ông giúp giới khoa học giải thích tại sao vũ trụ được tạo thành từ các hạt vật chất, chứ không phải hạt phản vật chất.
"Tôi từng có ý định bỏ cuộc", vị giáo sư 87 tuổi phát biểu khi nghe tin ông được nhận giải.
Yoichiro Nambu chào đời tại Nhật Bản nhưng sinh sống tại Mỹ từ năm 1952. Ông chính thức trở thành công dân Mỹ từ năm 1970 và giảng dạy tại Đại học Chicago trong suốt 40 năm. Ông từng công bố lý thuyết về cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát của các hạt hạ nguyên tử vào năm 1960. Ủy ban trao giải Nobel khẳng định lý thuyết của Yoichiro Nambu giúp người ta hiểu rõ hơn hoạt động của vũ trụ.
Để giải thích cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát, Yoichiro Nambu coi mỗi hạt vật chất là một vị khách trong bữa tiệc. Tình trạng đối xứng được duy trì khi các vị khách dùng đúng đĩa đựng thức ăn. Nó bị phá vỡ khi một khách lấy nhầm đĩa, buộc những người còn lại hành động tương tự để tránh tình trạng một người dùng hai đĩa.
Makoto Kobayashi trong một buổi họp báo tại Tokyo ngày 7/10/2008. |
Hai nhà khoa học Nhật Bản là Makoto Kobayashi và Toshihide Maskawa chia nhau một nửa số tiền còn lại nhờ phát hiện nguồn gốc của cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát.
Makoto Kobayashi, sinh năm 1944, làm việc cho Tổ chức Nghiên cứu gia tốc năng lượng cao (KEK) tại Tsukuba. Toshihide Maskawa, sinh năm 1940, là giáo sư tại Viện Vật lý lý thuyết Yukawa thuộc Đại học Kyoto.
Năm 1972, Kobayashi và Maskawa tìm ra nguyên nhân khiến các hạt hạ nguyên tử không tuân theo các quy tắc đối xứng. Nhờ phát hiện này, hai ông tiên đoán chính xác về sự tồn tại của một nhóm hạt quark mới (một loại hạt hạ nguyên tử). Gần 30 năm sau, tiên đoán của hai ông đã được chứng minh là đúng.
Toshihide Maskawa, giáo sư danh dự của Đại học Kyoto, trong buổi họp báo ngày 7/10/2008 tại Kyoto. Ảnh: Reuters. |
"Những nghiên cứu của ba nhà khoa học giúp chúng ta hiểu rõ điều gì xảy ra bên trong những cấu trúc nhỏ nhất của vật chất", Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển, cơ quan trao giải Nobel vật lý, tuyên bố.
Phát biểu trong buổi họp báo vào ngày 7/10, Toshihide Maskawa khẳng định ông không hề nghĩ ông sẽ được giải thưởng Nobel.
"Tôi làm khoa học không phải vì giải thưởng. Tôi chỉ theo đuổi đam mê của mình", ông nói.
Còn Makoto Kobayashi nói: "Với tư cách là một nhà khoa học, tôi không thấy quá vui mừng. Giải Nobel không có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi".
Giải Nobel hóa học, văn học và hòa bình sẽ được công bố trong tuần này. Lễ trao giải Nobel kinh tế sẽ diễn ra vào ngày 13/10.