Một con rắn hổ mang đực dài gần 4,6 mét đã được lực lượng chức năng giải cứu và thả vào rừng.
Cục Lâm nghiệp Tamil Nadu, Ấn Độ đã giải cứu một con rắn hổ mang đực dài 4,6 mét khỏi một nhà máy tư nhân ở khu đô thị Kadayam của quận Tenkasi.
Vụ việc xảy ra vào hôm 16/11, gần Govindaperi. Sự hoảng loạn bao trùm khu vực sau khi con rắn hổ mang được phát hiện. người dân địa phương đã lập tức thông báo cho các quan chức lâm nghiệp.
Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã có mặt giải cứu con rắn hổ mang. Sau khi bắt được con rắn độc, họ cho nó vào bao tải và mang thả vào rừng. Đoạn clip về vụ việc sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã nhận về nhiều sự quan tâm, chú ý.
Tháng trước, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại quận Kanniyakumara, bang Tamil Nadu. Người dân địa phương đã thông báo cho cơ quan lâm nghiệp sau khi họ phát hiện thấy con rắn hổ mang chúa. Con bò sát sau đó đã được các quan chức lâm nghiệp giải cứu.
Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới. Con trưởng thành thường dài khoảng 4 m, nhưng một số có thể dài tới hơn 5,5m. Chúng phân bố chủ yếu trong các khu rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Loài vật này thường đi săn vào ban ngày, nhắm đến những con mồi như rắn, thằn lằn, trứng và một số loài thú nhỏ. Hổ mang chúa thường săn mồi trên mặt đất, nhưng chúng cũng có thể leo lên cây và bơi dưới nước.
Loài rắn kịch độc này sinh sống trên mặt đất nhưng leo cây và bơi lội rất giỏi. Chúng được đánh giá là nguy hiểm đối với con người khi thường xuyên xâm nhập các khu dân cư để kiếm ăn.
Hổ mang chúa thường tránh người nhưng sẽ trở nên hung dữ khi bị đe dọa. Số lượng hổ mang chúa đang giảm do môi trường sống thu hẹp. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp chúng vào nhóm động vật sắp nguy cấp trong Sách Đỏ từ năm 2010.