Loài rắn hiền lành với con người, nhưng lại là khắc tinh của rắn độc

Tại Việt Nam có phân bố một loài rắn với lớp vảy bên ngoài hết sức đặc biệt. Đây là loài rắn rất hiền lành đối với con người, nhưng lại được xem là kẻ thù của các loài rắn độc.

Hổ hành - Loài rắn với lớp vảy bên ngoài đặc biệt

Loài rắn được nhắc đến ở trên là hổ hành, còn được gọi là rắn mống, có tên khoa học Xenopeltis unicolor. Đây là một loài thuộc họ rắn mống. Họ rắn mống chỉ bao gồm 1 chi duy nhất với danh pháp khoa học Xenopeltis và 2 loài rắn, bao gồm rắn hổ hành và rắn mống Hải Nam.


Dưới ánh nắng mạnh, rắn mống sẽ tỏa ra ánh sáng óng ánh nhiều màu rất đẹp mắt.

Đặc điểm chung của 2 loài rắn mống này đó là lớp vảy có khả năng thay đổi màu sắc nhờ tác động từ ánh sáng bên ngoài. Đặc biệt khi dưới ánh nắng mạnh, rắn mống sẽ tỏa ra ánh sáng óng ánh nhiều màu rất đẹp mắt.

Các loài rắn mống được tìm thấy ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore và cả Việt Nam. Trong 2 loài rắn mống, rắn hổ hành phân bố phổ biến và dễ bắt gặp tại Việt Nam hơn.

Rắn hổ hành trưởng thành có chiều dài từ 1 đến 1,2m, đầu và cổ không phân biệt rõ với nhau. Đầu của rắn hổ hành thuôn và nhọn, giúp chúng có thể đào đất dễ dàng.

Do sở hữu lớp da óng ánh đặc trưng, rắn hổ hành rất dễ được nhận biết trong tự nhiên, ngay cả với những người không có quá nhiều kiến thức về động vật hay bò sát.

Rắn hổ hành non trông rất giống rắn trưởng thành, ngoại trừ việc những con non có một lớp vảy màu trắng xung quanh đầu, như một chiếc vòng cổ. Chiếc "vòng cổ" này sẽ mờ đi trong năm đầu tiên của rắn hổ hành non.


Rắn hổ hành non nổi bật với "vòng cổ" màu trắng trên cơ thể. (Ảnh: ThaiNationPark).

Bên cạnh đặc điểm nhận biết về màu sắc bên ngoài, rắn hổ hành còn có thể được nhận diện bằng mùi hương cơ thể của chúng. Loài rắn này tỏa ra một mùi hương không mấy dễ chịu, giống với mùi hành sống. Mùi hương này khá đậm khiến nhiều người có thể nhận ra sự hiện diện của chúng ngay khi chưa nhìn thấy. Có thể đây chính là nguồn gốc bắt nguồn tên gọi của loài rắn này.

Tại Việt Nam, rắn hổ hành thường xuất hiện nhiều ở khu vực Tây Nam Bộ. Chúng thường ẩn nấp ở nơi nhiều bụi rậm, ven hồ, nơi có nhiều có ếch nhái sinh sống, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào của chúng.

Rắn hổ hành có độc không?

Mặc dù mang tên "hổ", nhưng trên thực tế rắn hổ hành lại không thuộc họ rắn "hổ", họ rắn sở hữu nọc độc chết người, mà như trên đã đề cập, hổ hành là loài thuộc họ rắn mống, không có nọc độc.

Hổ hành - Khắc tinh của các loài rắn độc

Do không có nọc độc, rắn hổ hành săn mồi bằng cách sử dụng sức mạnh của cơ thể quấn chặt và giết chết con mồi trước khi ăn thịt. Cách thức săn mồi của rắn hổ hành giống với loài trăn và một số loài rắn không có nọc độc khác.


Rắn hổ hành sử dụng sức mạnh cơ bắp để siết chặt và giết chết con mồi. (Ảnh: ResearchGate).

Một điểm đặc biệt giúp tăng hiệu quả của rắn hổ hành khi săn mồi, đó là răng của loài rắn này không cố định, mà có thể linh hoạt gập lên hoặc xuống. Khi săn mồi, răng của rắn hổ hành sẽ cắm chặt vào con mồi và gập ngược về phía sau, điều này giúp giữ chặt con mồi, khiến chúng khó có thể thoát ra được. Ngoài ra, cấu tạo răng này cũng giúp hổ hành nuốt trọn con mồi dễ dàng hơn.

Một đặc điểm ấn tượng khác của rắn hổ hành đó là chúng có khả năng kháng nọc độc của một số loài rắn độc, trong đó có một số loài của họ rắn hổ như hổ mang, cạp nia, cạp nong… điều này cho phép hổ hành có thể săn và ăn thịt những con rắn độc mà chúng bắt gặp.


Rắn hổ hành siết chặt một cá thể rắn cạp nia, loài rắn sở hữu nọc độc chết người thuộc họ rắn hổ (Ảnh: TBH).

Dĩ nhiên, hổ hành chỉ có thể giết chết và ăn thịt những cá thể rắn độc có kích thước nhỏ hơn chúng. Trong trường hợp hổ hành gặp phải những con rắn độc có kích thước to lớn hơn, chẳng hạn như hổ chúa, hổ hành khó có thể đánh bại kẻ thù để ăn thịt mà ngược lại, có thể trở thành con mồi của rắn độc.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu bắt gặp rắn hổ hành trong vườn nhà, mọi người không nên giết chết hay xua đuổi những con rắn này, mà hãy giữ chúng lại để đóng vai trò như một "quản gia", khi hổ hành có thể giúp làm giảm bớt được số lượng rắn độc nếu có trong vườn nhà.

Ngoài rắn độc, hổ hành có chế độ ăn rất đa dạng, bao gồm cả ếch, nhái, thằn lằn và một số loài động vật có vú nhỏ.

Hổ hành - Loài rắn hiền lành với con người

Dù được xem là khắc tinh của các loài rắn độc, hổ hành lại là một loài rắn rất hiền lành và hầu như không tấn công con người. Thậm chí, ngay cả khi con người cầm con rắn này trên tay, nó cũng chỉ tìm cách để chạy trốn.


Một cá thể rắn hổ hành được bắt gặp tại tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Trần Trí Dũng).

Nhiều người cho rằng với bản tính hiền lành và màu sắc rực rỡ như vậy, hổ hành sẽ là một loài rắn được nhiều người yêu thích và chọn làm vật nuôi.

Tuy nhiên, như trên đã đề cập, hổ hành tỏa ra một mùi hôi đặc trưng khiến nhiều người khó chịu. Bên cạnh đó, hổ hành thường bị chết trong môi trường nuôi nhốt, do vậy loài rắn này không phải là sự lựa chọn phù hợp để làm vật nuôi.

Lời kết

Hổ hành là một loài rắn hiền lành và có lợi trong hệ sinh thái. Loài rắn này có thể dễ dàng được nhận diện nhờ vẻ bề ngoài đặc trưng, do vậy, nếu bắt gặp loài rắn này trong tự nhiên, bạn hãy để mặc và tránh xa chúng.

Cập nhật: 29/07/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video