Mới đây, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chụp được ảnh cảnh một sao chổi đâm vào mặt trời “tự sát“.
Theo trang Space.com, sao chổi không tên này có đường kính chỉ khoảng hơn 90m. Khi đâm vào mặt trời, nó lập tức bốc hơi. NASA cho biết nhiều khả năng sao chổi này là thành viên của một nhóm sao chổi có quỹ đạo gần mặt trời, có tên là gia đình Kreutz, do nhà thiên văn học Đức Heinrich Kreutz phát hiện 100 năm trước đây.
Hình ảnh giây phút cuối cùng của sao chổi này đã được Đài Quan sát Mặt trời (SOHO), một kính thiên văn không gian, chụp lại được. Ngay khi sao chổi đâm vào mặt trời, một quầng sáng bất ngờ lóe lên. Các chuyên gia NASA cho biết thực tế đó là một đợt phun trào trên bề mặt mặt trời, chứ không phải là tác động của vụ đâm sao chổi.
Sao chổi được cấu tạo từ băng và bụi. Chỉ các ngôi sao chổi rất lớn mới có thể sống sót khi lướt tới gần mặt trời. Sức nóng và lực hấp dẫn của mặt trời là mối đe dọa đối với các sao chổi. Đây không phải là lần đầu tiên SOHO chụp được ảnh sao chổi “tự sát”. Năm ngoái, kính thiên văn này cũng chụp được cảnh tương tự.
Trong vòng 15 năm qua, các nhà thiên văn học đã xác định được hơn 1.400 sao chổi thuộc gia đình Kreutz. Nhiều khả năng chúng có nguồn gốc từ một sao chổi khổng lồ có đường kính từ 20-100 km, bị tan vỡ 2.500 năm trước đây.