Một số nước trên thế giới đã thay đổi múi giờ nhằm giảm bớt khó khăn, nhầm lẫn liên quan đến thời gian cho giới doanh nhân và người dân, trong khi tranh cãi về lợi ích và thiệt hại của việc thực quy ước giờ mùa hè ở nhiều quốc gia vẫn chưa dứt.
Nga, Malaysia, Singapore… đã thay đổi múi giờ, trong khi Australia, New Zealand, Mỹ, Canada và nhiều nước Bắc Âu hằng năm điều chỉnh giờ vào mùa hè. Lãnh đạo các nước ASEAN từng đề xuất khung giờ chung trong khối.
Nga, nước rộng nhất thế giới, có thể tiếp tục thay múi giờ sau khi đánh giá xong tác động của việc chuyển múi giờ từ 11 xuống 9 từ tháng 3 năm nay. Aman Tuleyev, thống đốc tỉnh Kemerovo ở khu vực Siberia, cho rằng sự khác nhau về múi giờ thật vô nghĩa: “Bạn chỉ đến thành phố bên cạnh mà phải vặn đồng hồ chậm lại một tiếng, rồi phải vặn trở lại khi quay về. Điều này gây ra nhầm lẫn”.
Thậm chí, một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã diễn ra ở Samara, khu vực gần Moskva. Họ cho rằng, sự thay đổi này dẫn đến tương lai đen tối hơn. Chính phủ Nga và các nhà khoa học đang xem xét tác động của việc đổi múi giờ với tiết kiệm năng lượng, sức khỏe, quốc phòng, thông tin liên lạc tại năm khu vực để tiếp tục điều chỉnh nếu khu vực thí điểm có tác dụng tốt.
Thay đổi múi giờ, sinh hoạt của rất nhiều người sẽ bị đảo lộn. Ảnh: Trung Kiên
Malaysia từng thay đổi múi giờ nhiều lần trong lịch sử. Múi giờ hiện nay của Malaysia được lấy theo múi giờ của vùng phía đông nước này (GMT + 8). Đây được coi là giải pháp chính trị nhằm hòa hợp phần lãnh thổ phía tây với phần lãnh thổ phía đông, dù có đến 80% dân số sống ở khu vực phía tây. Một số ý kiến người dân về việc đổi múi giờ:
Tiếp theo, Singapore cũng thay đổi múi giờ vào năm 1981 để giảm những bất tiện về thời gian, đặc biệt và vấn đề giao thương và giao thông qua con đường dài hơn 1 km nối TP Johor Bahru của Malaysia với thị trấn Woodlands của Singapore.
Một số nước trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực ôn đới hay gần cực như Bắc Mỹ, Bắc Âu, đang thực hiện quy ước giờ mùa hè bằng cách chỉnh đồng hồ tăng thêm một 1 giờ so với giờ tiêu chuẩn vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm để tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm.
Nghiên cứu của Phòng nghiên cứu giao thông và ĐH London (Anh) cho rằng, số người bị tai nạn giao thông ít đi nếu một giờ buổi sáng chuyển sang buổi chiều. Một số nước như Canada, Cuba, Chile, Argentina, Mexico, Mỹ... quy ước giờ mùa hè để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ khi nhu cầu điện và gas ngày càng tăng.
Theo báo cáo phát triển kinh tế xã hội năm 2004 của Trung tâm Năng suất (Nhật Bản), việc thực hiện quy ước giờ mùa hè giúp tiết kiệm 931 triệu lít nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban năng lượng California (Mỹ) vào tháng 3/2007 cho thấy, việc thực hiện thời gian tận dụng ánh sáng mặt trời ảnh hưởng rất ít đến lượng điện năng tiêu thụ ở bang này.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí y học New England (Mỹ), số người bị đau tim tăng lên đáng kể trong 3 tuần đầu thực hiện quy ước giờ mùa hè ở nước này năm 2008. Nhiều người phàn nàn rằng, quy ước này làm thay đổi giờ ngủ và đồng hồ sinh học, khiến họ đau đầu, căng thẳng khi cơ thể chưa kịp thích ứng với giờ giấc làm việc, sinh hoạt mới, dẫn đến việc gia tăng số vụ tai nạn giao thông và tai nạn lao động.
Trong năm ngày sau khi Nga xóa bỏ múi giờ ở 5 khu vực, số cuộc gọi cấp cứu cho những người bị tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim ở 5 khu vực thí điểm tăng thêm 11%. Số người tự tử trong những ngày này cũng tăng 60%, nhà khoa học Nga Sergei Kravchenko cho biết.
Trịnh Thị Hường, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội: Tôi không ủng hộ việc thay đổi múi giờ vì điều đó khiến nhịp sinh học của người dân thay đổi. Tôi không tính được việc đổi múi giờ sẽ tiết kiệm được cho Nhà nước những gì, chỉ nghĩ đơn thuần là cuộc sống của hơn 86 triệu dân sẽ bị xáo trộn.
Nguyễn Hữu Tú, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp: Với mỗi cá nhân, sự thay đổi đó chỉ dẫn đến sự thay đổi nhỏ trong thói quen. Biết đâu có những việc làm sớm hơn 1 giờ giúp ta nhiều cơ hội thành công hơn.
Nguyễn Văn Quang (Bưu điện Trung tâm 3, Hà Nội): Nếu đổi thành GMT+8, tôi sẽ phải đi làm sớm hơn 1 giờ so với hiện nay và về nhà cũng sớm hơn 1 giờ. Hiện nay tôi đi làm lúc 5h sáng nên nếu thay đổi, tôi sẽ thấy mệt mỏi hơn vào buổi sáng. Tuy nhiên, chiều về sớm hơn nên tôi sẽ có thời gian để ngủ bù, có thêm thời gian để chơi thể thao, và ít sử dụng thiết bị điện hơn. Tôi chưa rõ về mùa đông thì thế nào.
Hà Quỳnh Nga (Indochina Land): Tôi thấy việc thay đổi múi giờ để cùng giờ với các trung tâm tài chính, thuận lợi cho giao dịch, vận tải hàng không, giảm bớt chi phí do sự chờ đợi vì lí do lệch múi giờ thì cũng tốt. Ngoài ra, tôi thích ngày dài hơn đêm vì có thời gian làm nhiều việc hơn, buổi chiều về sớm ăn uống, tắm rửa vẫn còn thời gian chơi.
Hồ Bộ: Không biết ai đã đưa ra ý tưởng đổi múi giờ? Vì sao? Tiết kiệm ở chỗ nào? Vẫn là mùa đông ngày ngắn đếm dài, mùa hạ ngày dài đêm ngắn. Vẫn làm việc 8 giờ mỗi ngày nếu là công chức hoặc làm theo ca hoặc làm việc theo nhiệm vụ được phân công hoặc vì sự say mê làm việc của từng cá nhân? Nếu muốn trùng giờ với các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực để khỏi thiệt hại nếu có khủng hoảng kinh tế xảy ra thì đơn giản là hãy mở cửa sàn giao dịch sớm hơn 1 giờ đi. (Chưa nói là khả năng có lợi).