Muốn đoạt giải Nobel hãy sống lâu và thành đạt

Sống lâu, đừng hút thuốc hay uống quá nhiều rượu, tuân thủ chế độ ăn vừa phải và nghỉ ngơi hợp lý, vì có thể phải mất 50 năm khám phá của bạn mới được uỷ ban Nobel công nhận.

Ngoài ra, cũng đừng kể với quá nhiều người về ý tưởng của bạn vì nó có thể bị đánh cắp, và cố gắng viết tốt tiếng Anh vì phát hiện ấy cần phải là một câu truyện đáng nhớ nếu nó có vẻ đáng được giải Nobel.

Những lời khuyên này được nhà khoa học người Australia từng đoạt giải Nobel Peter Doherty đưa ra trong cuốn sách mới của ông "Hướng dẫn cho người bắt đầu để đoạt giải Nobel".

Doherty đã lên đến đỉnh vinh quang vào năm 1996 với giải Nobel về sinh lý học và y học, cùng với cộng sự người Thuỵ Sĩ Rolf Zinkernagel, cho phát hiện về trạng thái tự nhiên của hàng rào miễn dịch tế bào.

Tự truyện của Doherty phần lớn kể về cuộc sống của một nhà khoa học, nhưng chương cuối cùng - "Làm thế nào để đoạt giải Nobel" trình bày những ý kiến của ông về những quy tắc phải và không nên làm để có được cuộc đời vinh quang đó.

"Nếu bạn muốn đoạt giải Nobel: để trở nên nổi tiếng, quyền lực và có thể thậm chí là giàu có? Nếu đó là tham vọng của bạn, tôi không thể giúp gì được", ông viết. "Không có một cuốn sách hướng dẫn hoặc khoá học nào có thể chỉ cho bạn con đường đến với giải Nobel, và nói một cách số học, với hầu hết chúng ta, cơ hội để đoạt một huy chương vàng Olympic còn dễ dàng hơn".

Tuy nhiên, đừng tuyệt vọng. Doherty đã đưa ra những gợi ý mà các nhà khoa học non trẻ có thể tiến nhanh hơn đến cái đích này. "Cố gắng giải quyết những vấn đề lớn và thực hiện những khám phá lớn", lời khuyên này nghe qua có vẻ hiển nhiên, song Doherty cho biết những người có trí tuệ đủ để xác định một vấn đề quan trọng tầm cỡ Nobel là hiếm hoi.

"Khám phá là khác biệt. Không ai có thể chọn sẽ khám phá điều gì, song có những cách khác nhau để tạo ra một khám phá và các kết quả", Doherty nói. "Đừng chấp nhận mọi thứ ở vẻ bề ngoài, hãy tạo thói quen suy nghĩ một cách trái với quy luật. Làm việc chăm chỉ, thông minh, và với một chút may mắn, vận may sẽ làm nốt phần việc còn lại của nó".

Hai nhà khoa học Australia Barry Marshall và Robin Warren (vừa đoạt giải Nobel cho khám phá năm 1982 rằng vi khuẩn, chứ không phải stress, gây ra loét và viêm dạ dày) là những ví dụ tốt cho lời khuyên của Doherty rằng ứng cử viên Nobel cần kiên nhẫn và sống lâu. Phát hiện của họ được uỷ ban xét giải thưởng uy tín nhất thế giới công nhận sau hơn 20 năm ra đời.

"Cần bắt đầu sớm những thói quen tốt: ăn và uống vừa phải, nghỉ ngơi, đừng hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích quá liều (trong đó có rượu), luyện tập thường xuyên, tránh thể thao nặng nhọc và tìm sự trợ giúp của các chuyên gia trước những ý nghĩ tiêu cực", Doherty nói. Và hãy chuyên sâu vào một thứ: "Những người thông minh nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác mà đạt được thành công là rất hiếm", ông nói.

Bạn cũng cần được giáo dục tốt. Ngoài ra, ý tưởng lớn có thể dễ dàng bay mất, nên hãy mang theo một cây bút và tập giấy và vẽ ra bất cứ lúc nào. "Con người nghĩ bằng cả từ ngữ và hình ảnh. Những ý tưởng minh họa có thể đến vào những thời điểm kỳ quặc nhất, chẳng hạn trong nhà tắm, hay trên đỉnh núi cao", Doherty nói.

Một khi đã có ý tưởng lớn, hãy bảo vệ nó. "Một lời bình luận cẩu thả trong bức e-mail của ai đó có thể cung cấp bằng chứng cần thiết về một đối thủ cạnh tranh", Doherty nói.

Ngoài ra, bạn cũng cần viết công trình của mình theo một cách thức thú vị. "Khoa học là nói về những câu chuyện dễ nhớ, đáng đọc và hấp dẫn. Bạn không cần thiết phải là Shakespeare hay Michael Ondaatje, nhưng nếu muốn được thừa nhận là nhà khoa học hàng đầu, bạn phải viết rõ ràng, súc tích bằng Anh ngữ".

Và sau cùng, Doherty nói: "Hãy hài hước, cư xử như một người chiến thắng".

T. An (theo Reuters)

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video