Trong khi các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ, Anh đầu tư hàng triệu USD tái chế rác thải vì mục tiêu tiết kiệm và bảo vệ môi trường, thì Việt Nam lại nằm trong top những quốc gia đang lãng phí nguồn tài nguyên "mới" này.
Thời gian gần đây, tình hình xả rác bừa bãi cũng như những bất cập trong khâu xử lý chôn lấp rác thải trở thành vấn nạn ở nước ta, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Cụ thể tại Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt ước tính khoảng 5.000 tấn mỗi ngày. Và với mức tăng trung bình 15% mỗi năm, các chuyên gia môi trường cảnh báo đến năm 2012 nơi đây sẽ không còn chỗ để chôn rác. Còn TP HCM hàng ngày có trên 7.000 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, mỗi năm riêng công tác xử lý rác đã ngốn hết 235 tỷ đồng ngân sách.
Việc tận dụng rác vừa giúp tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Thi Ngoan.
Phương pháp xử lý chất thải phổ biến ở Việt hiện nay chỉ dừng lại ở chôn, đốt thủ công, còn người dân vẫn hàng ngày xả rác bừa bãi trên các kênh rạch, sông ngòi. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và phát sinh bệnh tật cho con người.
Trong khi đó theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, bên cạnh mục đích bảo vệ mội trường thì việc thu gom, xử lý rác thải còn hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế, xã hội rất lớn. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong trong lĩnh vực này và bắt đầu thu lợi từ việc tận dụng rác vào mục đích tái chế giấy, thép, sắt..., sản xuất phân vi sinh, tận dụng nhiệt đốt rác để chưng thu nước cất... Công tác này vừa giúp tiết kiệm chi phí chôn lấp, tận dụng được nguồn tài nguyên rác, vừa tạo việc làm cho nhiều người.
Riêng theo thống kê của Hiệp hội Giấy Việt Nam, hiện các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư lắp đặt hàng loạt dây chuyền hiện đại, đồng bộ để tái chế bột giấy từ phế liệu với tổng công suất lên đến 190.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải là tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở nước ta rất thấp. Cụ thể tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 50%, trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia và Indonesia là hơn 80%.
Tại buổi tập huấn "Bảo vệ môi trường - thu gom và tái chế vỏ hộp sữa sau khi sử dụng" ngày 12/7 tại TP HCM, bà Từ Bích Nguyệt, Giám đốc công ty Tetra Pak Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi mọi người ý thức lợi ích của việc thu gom rác giúp công tác tái chế thuận lợi, vừa giúp bảo vệ môi trường vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bà nói: “Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một lượng nhỏ rác thải được thu gom để tái chế, phần còn lại chủ yếu là mang đi tiêu hủy. Đó là một sự lãng phí rất lớn, trong khi nhà máy giấy có thể tận dụng lại được tới 50-55% bột giấy bao bì làm thành thùng carton”.
Ngoài ra, tham gia lớp tập huấn này, 200 công nhân chuyên trách thu gom rác trên địa bàn TP HCM còn được hướng dẫn phương pháp thu gom, lưu trữ giấy vụn, hộp sữa cũng như giới thiệu địa điểm các trung tâm thu mua rác tái chế giá cao...