Đây là kết quả nghiên cứu thực địa tình hình trẻ em mồ côi và dễ bị tổn thương tại 5 tỉnh An Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu do Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp với Liên minh Save the Children thực hiện trong 2 năm qua vừa được công bố ngày 22/11. Theo đó, số trẻ em nhiễm HIV/AIDS hoặc chịu ảnh hưởng của căn bệnh này phần đông có hoàn cảnh rất đáng thương. Song, đến nay các em vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Phần lớn các em sống trong cảnh nghèo và rất nghèo (75%). Rất ít em được sống cùng cả cha lẫn mẹ. Đại đa số sống cùng mẹ (36%) hoặc cùng ông bà đã già yếu (27%). Vì nghèo nên 29% số trẻ được hỏi nói các em phải đi làm để giúp gia đình. Ngay trong ước muốn của trẻ thì “có việc làm” cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (34%).
Những phát hiện về tâm lý xã hội cho thấy nhóm trẻ chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có biểu hiện khá phức tạp, trong đó đáng lưu ý là việc giấu hoàn cảnh vì sợ bị kỳ thị, không có việc làm. Tình trạng không có bệnh mà bị coi như có bệnh đẩy trẻ đến sự hoang mang. Nhiều em cho biết bị bắt nạt và xa lánh trong cộng đồng nơi các em sống.
Theo quan sát của các nghiên cứu viên, trẻ sống chung với HIV hoặc chịu ảnh hưởng của bệnh này thường thấy buồn tủi, chán nản và sống khép mình. “Cháu luôn sợ hãi vì bệnh này chưa có thuốc chữa, nghĩa là cháu sẽ chết sớm…” - Một trẻ sống chung với HIV tại Quảng Ninh tâm sự.
“Gần đây cháu bị sốt, nhiễm trùng da và đau người. Những thứ đó làm cháu sợ hãi” - Một em trai sống chung với HIV ở Hà Nội cho biết.
Nhiều em cũng kể lại những chuyện đối xử không phù hợp của các nhân viên y tế nhà nước khi đi khám bệnh. Một em trai 10 tuổi sống chung với HIV tại Quảng Ninh kể: “Khi cháu bị ốm, mẹ cháu đưa cháu tới bệnh viện tỉnh nhưng cháu không được cân vì bác sỹ nói họ phải ưu tiên cho các trường hợp khác”.
Ngoài ra, có tới quá nửa số trẻ được hỏi cho biết không đi học vì không có tiền đóng học phí.
Cần có những chính sách quốc gia
Theo ông Nguyễn Trọng An - Phó Vụ trưởng Vụ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Nhà nước cần có những chính sách phát hiện trẻ dễ bị tổn thương do AIDS để sớm bảo vệ và hỗ trợ. Các chính sách hiện nay mới chỉ đề cập đến trẻ sống chung với AIDS mà chưa đề cập đến trẻ chịu ảnh hưởng do HIV/AIDS.
Đây là thiếu hụt về mặt chính sách cần được chú trọng và nhanh chóng bổ sung. Điều cần chú ý là các chính sách dành cho trẻ chịu ảnh hưởng do HIV cần phải gắn kết hoặc lồng ghép với các chính sách bảo vệ trẻ em mồ côi.
Đại diện nhóm điều tra cũng khuyến nghị cần có những “cộng đồng an toàn” cho những gia đình thiệt thòi bao gồm gia đình có ông bà hoặc cha, mẹ độc thân đang làm chủ gia đình. Một phần quan trọng của “cộng đồng an toàn” là tạo công ăn việc làm cho người chăm sóc trẻ. Từ thực tế đó, đòi hỏi cần phải có các chương trình vay vốn nhỏ và tập huấn kỹ năng sử dụng vay vốn, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ lớn hơn.
Cần chú trọng tập huấn, đầu tư cho cơ sở y tế tư nhân. Việc giáo dục, vận động, tránh kỳ thị hiện rất khó khăn dù đã có luật nên cần mở rộng tuyên truyền đến cấp tiểu học, tạo cái nhìn đúng đắn, tích cực hơn về phòng chống HIV/AIDS.
Về lâu dài, cần có một chế độ chính sách cụ thể để bảo vệ và hỗ trợ các gia đình và trẻ em dễ bị tổn thương.
Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện có khoảng 2.800 trẻ sơ sinh nhiễm HIV, 915 trẻ dưới 13 tuổi và 14.500 người có tuổi từ 14 – 19 nhiễm HIV. Ước tính có trên 263.000 trẻ dưới 19 tuổi hiện đang sống trong hoàn cảnh không được trợ giúp đầy đủ từ gia đình, cha mẹ, anh chị, ông bà.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 130.000 trẻ mồ côi do AIDS, trong đó 25% là mồ côi cha hoặc mẹ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 1.750 trẻ sống chung với HIV. Dự tính, nếu không có sự thay đổi trong chương trình hiện nay thì số trẻ sống chung với HIV ở địa phương này sẽ vượt con số 2.800 và năm 2010 và vượt 7000 vào năm 2015.
Mỹ Hằng