Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng của hiệu ứng nhà kính

  •  
  • 1.400

Từ nay tới cuối thế kỷ, sản lượng lương thực của khu vực Đông Nam Á có thể giảm 6,7% mỗi năm bởi thay đổi khí hậu. Tình trạng đó cản trở nghiêm trọng nỗ lực phát triển kinh tế và giảm nghèo của các nước trong khu vực. 

Sản lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan có thể giảm 50% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2100 do tình trạng thiếu nước. Ảnh: allgreen.com.


Một nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy 4 quốc gia dễ bị tổn thương nhất gồm: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Một tỷ lệ lớn dân số của Indonesia, Philippines sống dọc theo bờ biển nên hai nước này sẽ phải quan tâm tới tình trạng mực nước biển dâng lên. Từ nay tới cuối thế kỷ, sản lượng gạo của Thái Lan và Việt Nam có thể giảm tới 50% do tình trạng thiếu nước.

"Các nước đang phát triển chưa sẵn sàng đối phó với biến đổi khí hậu. Từ nay tới cuối thế kỷ, tình trạng ấm lên toàn cầu có thể cướp đi một lượng vật chất tương đương 2,6% tổng sản phẩm quốc nội của cả khu vực mỗi năm"
, Tae Yong Jung, một chuyên gia kinh tế của ADB, phát biểu.

Theo báo cáo của ADB, nếu hiệu ứng nhà kính không bị hãm lại, nhiệt độ khí hậu tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trung bình 4,8 độ C so với năm 1990. Lượng mưa ở các nước này sẽ giảm khiến hạn hán và cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, số lượng bão nhiệt đới và lũ lụt (do nước biển dâng lên) cũng tăng lên khiến hàng chục triệu người đối mặt với nguy cơ mất nhà cửa và tàn phá 2.500 km vuông rừng đước.

Các chuyên gia cho rằng thiệt hại kinh tế của 4 nước trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2100 sẽ là 2,2% tổng sản phẩm quốc nội. Nếu tính cả mất mát về sức khỏe và đa dạng sinh thái thì mức thiệt hại tăng lên 5,7%. Những con số này vượt xa dự đoán của giới khoa học.

Một hội nghị quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 năm nay. Mục tiêu của hội nghị là đưa ra một thỏa thuận mới về kiểm soát lượng khí thải carbon. Thỏa thuận này sẽ thay thế nghị định thư Kyoto (được ký kết vào năm 1998 và sẽ hết hiệu lực vào năm 2012).

ADB cho rằng các quốc gia Đông Nam Á phải chứng tỏ vai trò tích cực của họ đối với hội nghị tại Copenhagen. Theo bản báo cáo, các chính phủ nên đầu tư tiền của vào các chương trình trồng, quản lý và bảo vệ rừng. Ngoài ra, việc bảo vệ rừng được, nâng cấp hệ thống thủy lợi, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cũng nên được chú ý. Những nỗ lực trên có thể ngốn tới 5 tỷ USD mỗi năm nhưng lợi ích của chúng sẽ vượt xa chi phí sau năm 2050.

Báo cáo cũng khẳng định rằng 40% lượng khí thải carbon sẽ giảm trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020 nếu các nước đầu tư nhiều hơn vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng xe hơi tiết kiệm xăng và nâng cấp các phương tiện giao thông công cộng. Lượng khí thải cũng sẽ giảm thêm 40% nữa nếu chúng ta sử dụng khí đốt tự nhiên, pin mặt trời và gió để sản xuất điện thay cho than đá. Đối với khu vực Đông Nam Á, biện pháp kìm hãm tốc độ thay đổi khí hậu là bảo vệ những khu rừng nhiệt đới hiện có. Tình trạng mất rừng làm tăng 75% lượng khí thải của Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Theo VnExpress (AP)
  • 1.400