Việt Nam lo nhiễm mặn vì thủy điện Lào

Các nhà khoa học Việt Nam lo ngại rằng công trình đập thủy điện gây tranh cãi của Lào sẽ gây tác động xấu đến đồng bằng sông Cửu Long.

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) chiều qua tổ chức buổi tọa đàm “Xayaburi và nguồn nước sông Mekong”, một ngày trước khi các nước thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC) ra quyết định về xây dựng đập Xayaburi tại Lào.

Xayaburi ở phía bắc Lào, là dự án đầu tiên trong tổng số 12 công trình dự kiến sẽ được xây dựng trên dòng chính của Mekong, con sông lớn đầy phù sa và cá, chảy từ Trung Quốc qua 4 quốc gia vùng hạ Mekong gồm Thái, Lào, Campuchia và Việt Nam.


Vị trí dự án đập thủy điện gây tranh cãi Xayaburi trong khu vực hạ Mekong. Đồ họa: NYT.

Ông Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch thường trực Vusta, nói rằng, việc xây dựng đập Xayaburi sẽ khiến đồng bằng sông Cửu Long gặp nguy hại. Khu vực này hiện có gần 20 triệu dân, cung cấp khoảng 50% lượng lúa gạo, hơn 70% thủy sản và khoảng 70% trái cây cho Việt Nam.

Do đó, nếu xây dựng đập sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân và các thế hệ tương lai, đe dọa tới an ninh lương thực quốc gia và khu vực”, ông Liêm nói thêm.

Ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), khẳng định: “Nếu đập Xayabouri được xây dựng thì sẽ là phát đại bác khai hỏa cho việc xây dựng toàn bộ các đập khác trên dòng chính hạ lưu sông Mekong”.

Ông cũng nhấn mạnh, việc xây đập Xayaburi và 11 bậc thang khác trên dòng chính hạ lưu sông Mekong sẽ không mang lại bất cứ một lợi ích nào cho đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược MRC, lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ đập Xayaburi là rất nhỏ so với những mất mát chúng ta phải gánh chịu, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Cũng theo ông Tứ, dù thu được 70% lợi ích về điện (2,6 tỷ USD mỗi năm) từ các bậc thang thủy điện, nhưng Lào sẽ là quốc gia chịu nhiều hậu quả rủi ro. Thực tế, 25-30 năm vận hành theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) đều do các nhà đầu tư tư nhân hoặc các tập đoàn nhà nước, nước ngoài thực hiện và do đó những tổ chức này sẽ hưởng lợi không nhỏ.

Chính phủ Lào chỉ hưởng được 26-31% từ tổng doanh thu, tức chỉ khoảng 676-806 triệu USD/năm, ông Tứ cho hay.

Theo dự kiến thiết kế, Xayaburi và hơn một chục đập dự kiến khác là các đập dâng không điều tiết, tức là chỉ để phát điện, không có khả năng điều tiết lũ, không có tác dụng điều hòa nguồn nước cũng như cắt giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô.

Cũng theo ông Tứ, nếu xây dựng đập Xayaburi, 55% chiều dài dòng chính Mekong sẽ thành hồ chứa, hủy hoại vĩnh viễn môi trường sống và hệ sinh thái của sông Mekong, gây nguy hiểm cho hệ động thực vật phong phú tại đây, 41 loài cá sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.

Cụ thể, tổng lượng phù sa của sông Mekong (khoảng 165 triệu tấn/năm) sẽ bị giữ lại 50% do các hồ của Trung Quốc và 25% do các đập thủy điện hạ lưu, làm giảm độ phì nhiêu và dinh dưỡng của khoảng 2,3 đến 2,8 triệu ha đất nông nghiệp (chủ yếu của Campuchia và Việt Nam). Lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long hiện vào khoảng 26 triệu tấn/năm sẽ giảm còn 7 triệu tấn/năm.


Sông Mekong, với hàng trăm loài cá, từ hàng trăm năm nay là mạch sống nuôi dưỡng hàng chục triệu dân hai bờ sông. Ảnh: NYT.

Kết quả nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất từ 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng di cư mỗi năm, tương đương 0,5 đến 1 tỷ USD. Bên cạnh đó cùng hàng loạt tác động khác như đất đai bị chai, mất cân bằng hệ sinh thái, nước ngọt bị xâm nhập mặn, nông dân ly hương.

Các nhà khoa học thuộc VRN cho rằng, có nhiều giải pháp năng lượng thay thế bền vững để có thể đáp ứng phát triển kinh tế, thay vì phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Tại buổi tọa đàm, bà P’Eang, đồng giám đốc Quỹ phục hồi sinh thái Terra Thái Lan, cho biết, nhiều tổ chức và nhà khoa học cùng người dân Thái Lan lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc xây dựng thủy điện Xayaburi. Trong sáng qua, 100 người Thái sống dọc trung lưu sông Mekong đã đứng trước cửa sứ quán Lào phản đối công trình xây dựng này.

Bà Ame, cán bộ vận động chính sách vùng Mekong, tổ chức sông ngòi quốc tế cho rằng, các báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) chỉ ra rằng, Lào chưa cần cấp thiết xây dựng thủy điện Xayaburi, vì nó đe dọa tới lượng thủy sản sống trên dòng sông, từ đó đe dọa nguồn thực phẩm của hàng chục triệu người.

Trong một phóng sự điều tra đăng hôm chủ nhật, tờ Bangkok Post cho biết các công việc chuẩn bị cho dự án đã được Lào xúc tiến "từ cách đây 5 tháng", với những con đường lớn đang được đào đắp, dẫn vào khu vực dự kiến sẽ xây đập.

Hôm nay, Ủy hội Mekong sẽ họp tại Lào để đưa ra quyết định có thông qua việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi hay không, sau 6 tháng tham vấn cấp quốc gia ở mỗi nước thành viên. Quyết định của Ủy hội không có tính ràng buộc pháp lý. Giới quan sát dự đoán rằng nếu quyết định của Ủy hội không làm hài lòng phía Lào và các nhà đầu tư, vụ việc có thể được đưa ra một ủy ban quốc tế, điều chưa từng có tiền lệ.

Từ năm 1995, các nước thuộc Ủy hội Mekong nhất trí với nhau rằng bất kỳ nước nào muốn xây các đập trên sông Mekong đều phải trải qua quá trình tham vấn các nước liên quan.

Về việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong trong đó có đập Xayaburi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói:

“Sông Mekong là một dòng sông quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các nước ven sông.

Là một nước nằm ven sông Mekong, Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này.

Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mekong nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này”.

 

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video