Đó là thống kê vừa được đưa ra do Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng tổng kết tại hội thảo song phương Việt Nhật về Ứng cứu khẩn cấp máy tính và An toàn thông tin mạng diễn ra sáng hôm qua (2/3).
Trong năm 2005 vừa qua, theo báo cáo của Viet Cert, có tới trên 95% số máy tính bị nhiễm vi rút, nhiều website bị truy nhập trái phép và đặc biệt đã xuất hiện lừa đảo trên mạng, các trang Web khiêu dâm...Vì vậy, các hoạt động ứng cứu khẩn cấp máy tính, và an toàn an ninh thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội đóng vai trò quan trọng.
Theo thứ trưởng Thắng, hoạt động hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam và các nước trong việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin, các giao dịch, hạ tầng thông tin và mạng máy tính cần phải tăng cường hơn nữa thông qua 6 giải pháp nhằm đảm bảo an ninh điện tử. Đó là:
- Xây dựng hành lang pháp lý để chống lại tội phạm mạng thành công và bảo vệ hiệu quả hạ tầng thông tin cần hình sự hóa các hoạt động tấn công trên mạng; xây dựng luật tố tụng hình sự để đảm bảo cho hoạt động điều tra.
- Chia sẻ thông tin và hợp tác để đánh giá nguy cơ và thương tổn, đưa ra những cảnh báo kịp thời bảo vệ hiệu quả hạ tầng thông tin.
- Hướng dẫn an ninh và kỹ thuật giúp chính phủ hợp tác chống lại tội phạm mạng, bảo vệ hạ tầng thông tin.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng, đề cao trách nhiệm của mỗi công dân.
- Đào tạo và giáo dục
- An ninh vô tuyến: được xác định là lĩnh vực rất khó khăn. Kết nối vô tuyến đã tạo một cuộc cách mạng hóa cho người sử dụng Internet và doanh nghiệp. Tuy nhiên nó cũng làm gia tăng khả năng mất an toàn thông tin, do vậy cần tăng cường an toàn mạng lĩnh vực này.
Được biết, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực ứng cứu khẩn cấp máy tính và an toàn thông tin. Cũng tại hội thảo, Trung tâm điều phối Ứng cứu khẩn cấp máy tính Nhật Bản và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VN Cert đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trong lĩnh vực này.
Hoàng Hùng