Sau khi hoàn thành lộ trình phát triển vệ tinh, năm 2022 Việt Nam sẽ tự sản xuất vệ tinh và trở thành một trong những nước đứng đầu khu vực ở lĩnh vực này.
Ngày 23/3, tại hội nghị triển khai kế hoạch 2017-2022 dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cho biết, sau khi phát triển thành công vệ tinh PicoDragon (1kg), thời gian tới đơn vị tiếp tục dự án chế tạo NanoDragon (4-6kg), MicroDragon (10kg) và Lotusat (600kg).
Năm 2018, MicroDragon của Việt Nam dự kiến được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa của Nhật Bản. Vệ tinh này là khối vuông nặng khoảng 50kg, do các kỹ sư Việt Nam chế tạo, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nhật Bản. Nó có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Lộ trình phát triển vệ tinh ở Việt Nam.
Năm 2019, vệ tinh Lotusat -1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh cũng sẵn sàng hoạt động để tiến tới phát triển Lotusat -2. Đây là vệ tinh đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và sẽ cung cấp ảnh vệ tinh cho Việt Nam.
"Với hai vệ tinh công nghệ cảm biến radar hiện đại này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết, với độ phân giải cao, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường", ông Tuấn nói.
Nếu hoàn thành lộ trình trên thì đến năm 2022, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước đứng đầu khu vực ở lĩnh vực này, tương đương với Indonesia và Malaysia.
Ngày 4/8/2013, vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon vào vũ trụ trên con tàu vận tải HTV4 từ bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản. Vệ tinh được chế tạo với mục tiêu phục vụ đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước tiếp cận quy trình thiết kế, chế tạo, tích hợp, và thử nghiệm vệ tinh. Nó đã hoạt động trên quỹ đạo từ 19/11/2013 đến 1/3 năm nay, và liên lạc thành công với các trạm mặt đất của VNSC cùng nhiều nước.