Chiều 7/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) Robert S.Zeigler đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác khoa học kỹ thuật để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam.
>>> IRRI phát triển thành công giống lúa siêu chịu mặn
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh việc hợp tác giữa Việt Nam và IRRI sẽ đánh dấu bước phát triển mới giữa hai bên trong lĩnh vực lúa gạo.
Đây là lĩnh vực được Việt Nam hết sức coi trọng phát triển, nhưng để tiếp tục phát huy thế mạnh này cần phải giải quyết những thách thức to lớn.
Đó là phải nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong ngành lúa gạo, đem lại thu nhập cao hơn cho người trồng lúa trong điều kiện diện tích ngày càng bị thu hẹp.
Mặt khác, Việt Nam phải chuẩn bị thích ứng với biến đổi khí hậu được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới các vùng trồng lúa trọng điểm, trước hết là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng Giám đốc IRRI Robert S.Zeigler bày tỏ tự hào về những đóng góp của IRRI đối với những thành công trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đồng thời đánh giá kinh nghiệm của Việt Nam là tấm gương cho nhiều quốc gia khác học tập trong phát triển nông nghiệp.
Thời gian tới, IRRI và Việt Nam sẽ liên kết chặt chẽ, cùng nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho toàn khu vực Đông Nam Á.
IRRI là một trong 16 tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế lớn trên thế giới. Từ năm 1975 đến nay, IRRI đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn trong việc nghiên cứu và sản xuất lúa gạo.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những giống lúa của IRRI hoặc có nguồn gốc từ IRRI đã được gieo cấy từ 60-70% diện tích lúa trên cả nước, góp phần vào việc nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng lúa gạo của Việt Nam trong thời gian qua.
Hàng năm, IRRI cung cấp cho Việt Nam hàng ngàn dòng, giống lúa mới là nguồn vật liệu quý phục vụ nghiên cứu, lai tạo giống lúa. Cùng với đó, hàng ngàn nghiên cứu sinh, thực tập sinh và cán bộ khoa học của Việt Nam đã được IRRI đào tạo hoặc tài trợ để đào tạo.
IRRI cũng tạo điều kiện cho các Viện Nghiên cứu của Việt Nam tiếp cận với những nghiên cứu mới của thế giới trong lĩnh vực lúa gạo; thực hiện một số dự án trong các lĩnh vực mũi nhọn như sản xuất giống, bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây lúa.