Vinasat-2 đã lên quỹ đạo

5h49 sáng nay (16/5), tên lửa Ariane 5 đã hoàn tất quá trình đưa 2 vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo, từ bãi phóng Kourou (Guyana).

>>> VINASAT-2 được phê chuẩn lệnh phóng

Hành trình kéo dài 36 phút của Ariane 5 và 2 vệ tinh kết thúc thành công vào lúc 5h49 sau khi Vinasat-2 được tách khỏi tên lửa đẩy và tiến chính xác vào vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh. Trước đó, với sự hỗ trợ của 2 tên lửa phụ, Ariane 5 đã rời khỏi mặt đất lúc 5h13.


Tên lửa Ariane 5 ngay trước giờ phóng tại Kourou (Guyana). (Ảnh: Arianespace)

Trong vòng 30 giây, 2 tên lửa phụ đã đốt khoảng 200 tấn nhiên liệu ở nhiệt độ 3.000 độ C để đưa 2 vệ tinh thoát khỏi lực hút bề mặt Trái đất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 tên lửa phụ tách khỏi phần chính giúp Ariane 5 nhẹ bớt ba phần tư trọng lượng. Tên lửa chuyển hướng Tây và bay nhanh hơn vào quỹ đạo.

Đến 5h16, tên lửa Ariane xuyên qua tầng khí quyển trái đất và vượt Đại Tây Dương trong khoảng 20 phút. Tại bờ Tây châu Phi, Ariane kết thúc thành công giai đoạn đầu của quá trình phóng bằng việc cho tách JCSAT-13. Tên lửa tiếp tục hành trình đưa Vinasat 2 về vị trí đã định.

Đến 5h49, Vinasat-2 được tách khỏi vỏ bảo vệ và hành trình về quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông. Vụ phóng vệ tinh được tuyên bố chính thức thành công trong sự vui mừng của các nhân viên trung tâm ArianeSpace tại Kourou cũng như đại diện phái đoàn Việt Nam, Nhật Bản tại Guyana.


Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. (Ảnh: ArianeSpace)

Theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc phóng thành công Vinasat-2 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. "Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển hệ thống viễn thông của Việt Nam. Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu VNPT sớm đưa Vinasat-2 vào sử dụng, khai thác hiệu quả, cùng với Vinasat-1 đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng…


Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. (Ảnh: Nhật Minh)

Trước đó, Vinasat-2 được triển khai trong hơn 2 năm, từ tháng 10/2009. Đây là vệ tinh thứ 2 của Việt Nam, có tổng kinh phí khoảng 260-280 triệu USD, sản xuất trên nền tảng khung A2100, tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Vinasat-2 cùng với Vinasat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 19/4, đã tạo ra một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng cho khách hàng. Cả 2 dự án này đều do Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư, hợp tác với Lockheed Martin (Mỹ) để triển khai.

Vinassat-2 được phóng từ Kourou ở Guyana (Nam Mỹ). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đến chứng kiến lễ phóng Vinasat-2 qua cầu truyền hình ở đầu cầu Việt Nam.

Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video