Virus corona tấn công tế bào cơ thể người như thế nào?

Chủng virus gây nên bệnh Covid-19 đang lây lan khắp thế giới. Có ít nhất 6 chủng trong họ virus này lây nhiễm trên người, một số gây ra cảm cúm thông thường và hai chủng đã gây nên dịch bệnh: SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng suy hô hấp Trung Đông).

Gai phủ bên ngoài

Virus corona được đặt tên theo hình dáng của nó. Corona tiếng Latin là vương miện. Lớp vỏ ngoài virus có nhiều gai như một vương miện, Virus được bao bọc trong các phân tử chất béo (lipid), dễ phân rã khi tiếp xúc với xà phòng.

Xâm nhập tế bào dễ tổn thương

Virus đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó gắn kết vào những tế bào tạo ra một loại protein là ACE2 (men chuyển angiotensin, một loại protein gây co thắt mạch máu và tăng huyết áp). Virus được cho là bắt nguồn từ dơi, gắn kết với một loại protein tương tự trong cơ thể loài này.

Giải phóng ARN virus

Virus lây nhiễm sang tế bào bằng cách hợp nhất lớp vỏ lipid với màng tế bào. Một khi đã xâm nhập xong, virus corona giải phóng một phần vật chất di truyền của mình là ARN vào tế bào.

Chiếm kiểm soát tế bào

Chuỗi gene của virus khi được giải mã dài chưa đến 30.000 “ký tự” (gene của con người dài hơn 3 tỷ). Tế bào nhiễm bệnh sẽ đọc ARN của virus, sau đó bắt đầu tạo ra protein khiến hệ miễn dịch không tiếp cận và giúp tạo ra các bản sao mới của virus.

Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn chứ không tiêu diệt được virus. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm thuốc kháng virus có khả năng phá vỡ các protein của virus và chặn đứng lây nhiễm trong cơ thể.

Tạo protein virus

Quá trình nhiễm tiếp diễn, bộ máy nội bào bắt đầu tạo ra nhiều gai mới cho virus và các loại protein giúp tạo thêm nhiều bản sao khác của virus corona.

Lắp ráp bản sao

Các bản sao của virus được tập hợp và chuyển đến vỏ ngoài của tế bào.

Lây nhiễm lan rộng

Mỗi tế bào nhiễm bệnh có thể giải phóng hàng triệu bản sao của virus trước khi tế bào đó dừng hoạt động và chết đi. Virus sau đó sẽ tấn công những tế bào gần kề, hoặc nằm trong các giọt nước từ phổi đi ra môi trường.

Phản xạ miễn dịch

Phần lớn những ca nhiễm Covid-19 gây sốt vì hệ miễn dịch cố tiêu diệt virus. Trong những ca bệnh nặng, hệ miễn dịch có thể phản ứng thái quá và bắt đầu tấn công tế bào trong phổi. Cơ quan này bị tắt nghẽn bởi chất dịch và tế bào đã chết, gây khó thở. Một phần nhỏ các ca nhiễm có thể dẫn đến hội chứng hô hấp cấp tính nặng, thậm chí là tử vong.

Rời khỏi cơ thể

Ho và nhảy mũi có thể giải phóng hạt nước li ti mang virus, rơi trên các bề mặt đồ vật hoặc cơ thể người khác. Ở môi trường bên ngoài, virus vẫn có khả năng lây nhiễm từ vài tiếng đến vài ngày, tùy điều kiện và vật thể.

Người nhiễm có thể tránh lây lan virus bằng cách đeo khẩu trang. Tuy nhiên, virus có thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày hoặc lâu hơn, với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, do đó những ca bệnh nhẹ khó phát hiện dù rủi ro lây nhiễm vẫn cao.

Triển vọng vaccine

Vaccine trong tương lai có thể giúp cơ thể tạo ra kháng thể để tìm diệt virus SARS-CoV-2 và ngăn nó xâm nhập tế bào người. Vaccine cảm cúm tác động theo cách tương tự, nhưng kháng thể được tạo ra nhờ vaccine cảm cúm không bảo vệ được cơ thể trước virus corona.

Cách tốt nhất để tránh nhiễm virus corona và các loại virus khác là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay lên mặt, giữ khoảng cách với người bệnh và lau chùi những bề mặt đồ vật tiếp xúc thường xuyên.

Virus corona là gì?

Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.

Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).

WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?

Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.

Nên lo lắng thế nào?

Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.

Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?

Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.

Nếu tôi đi du lịch thì sao?

C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.

Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?

Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.

Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.

Virus đã lây lan tới đâu?

Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus truyền nhiễm thế nào?

Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.

Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.

Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.

Cập nhật: 13/03/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video