Stress gây hại đến cơ thể người như thế nào?

  •  
  • 3.867

Tất cả chúng ta đều từng bị stress, đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, quá nhiều stress có thể dẫn tới những thứ thực sự vô cùng tồi tệ.

>>> Stress có thể truyền nhiễm như bệnh cảm lạnh?

Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn có thể cảm thấy kiệt sức và muốn thư giãn. Dẫu vậy, mọi thứ không dễ dàng trôi qua. Stress có thể tác động rất mạnh mẽ và đôi khi nguy hiểm đến cơ thể của bạn.

Tất cả bắt đầu từ một vùng não có tên gọi là hạch hạnh nhân (amygdala), nơi chịu trách nhiệm xử lý các cảm xúc của con người. Khi hạch hạnh nhân cảm thấy căng thẳng hoặc nguy hiểm, nó sẽ ngay lập tức gửi tín hiệu báo nguy đến vùng não dưới đồi (hypothalamus), nơi đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy.

Stress gây hại đến cơ thể người như thế nào?

Vùng não dưới đồi sau đó sẽ điều động hệ thần kinh gửi các tín hiệu tới các tuyến thượng thận. Những tuyến này phản ứng bằng cách bơm hormone adrenaline vào máu. Khi adrenaline lưu thông khắp cơ thể, nó mang tới rất nhiều thay đổi thể chất. Chẳng hạn như, tim bắt đầu đập nhanh hơn bình thường; ruột phình rộng hơn và hoạt động thất thường. Và khi đó, các tuyến thượng thận sẽ sản sinh ra hormone stress gọi là coritsol.

Trong cuộc đời, ai cũng từng phải phải đối phó với tình huống căng thẳng. Và khi họ cảm thấy phải dồn tất cả năng lượng tích tụ để đối phó với nó, rắc rối có thể xảy ra. Ở tim, các mạch máu bóp siết khiến việc bơm máu trở thành công việc khó khăn, đồng nghĩa với việc áp huyết tăng vọt, vượt mức cho phép.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với hệ tiêu hóa của bạn. Cảm giác nôn nao trong bụng thực tế phản ánh tình trạng hoạt động của dạ dày đang bị hạn chế. Nó đồng nghĩa với việc, ít thực ăn được phân hủy hơn, đầy bụng và thiếu hấp thu dinh dưỡng.

Tất cả những thay đổi hormone có thể làm tăng lượng cholesterone trong cơ thể bạn theo thời gian. Stress cũng có thể khiến bạn tăng cân, do rồi loạn khẩu vị khiến bạn muốn ăn nhiều hơn.

Stress cũng có thể gây những thay đổi tiêu cực đối với não, làm tổn hại đến chu kỳ ngủ, trí nhớ. Và trên hết, tình trạng stress mãn tính có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ cao hơn bị trầm cảm, lo âu và bệnh tim.

Vì vậy, nếu gặp stress, bạn hãy hít thở thật sâu và có thể cân nhắc thử vài giải pháp khác như tập thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Hãy luôn lạc quan!

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đặt lại.

Theo Vietnamnet, Bussiness Insider
  • 3.867