vlog: Cơn sốt "hậu blog" mới

Trong thời buổi giao thoa văn hóa Internet rầm rộ như hiện nay, sau blog và podcast, loại hình truyền thông mới nhất đã xuất hiện dưới cái tên vlogging. Hiểu một cách nôm na nhất, vlog chính là video-blog.
 

Một clip trong RocketBoom

Thông qua những đoạn video clip ngắn tự quay và những chương trình truyền hình thực tế (reality show) tự biên tự diễn, các vlogger đang tận dụng sức mạnh số không giới hạn để mời gọi mọi người tham quan thế giới riêng của họ. Chủ đề của các video clip thật muôn hình muông vẻ: từ bàn luận sâu về những vấn đề "to tát" như ý nghĩa của vũ trụ, cho đến "cái bơm cũ vứt trong garage nhà tôi", hay thậm chí là "món quà vặt tôi ăn mỗi ngày".

Từ blog đến vlog

Cơn sốt blog (hay weblog) quả thật mãnh liệt. Sau khi khuấy đảo cả thế giới Net hồi năm ngoái, khiến nhà nhà viết nhật ký Web, người người trở thành "nhà báo công dân", blog đã dắt dây đến sự ra đời của podcast - một loại hình nhật ký Web bằng âm thanh và các chương trình radio.

Trong năm 2005, podcast đã cựa mình và phát triển thần tốc, đi từ chỗ không ai biết "đấy là cái gì đấy" để trở thành Từ khóa của năm, thành công nghệ quen thuộc với rất nhiều người. Với Podcast, ai cũng có thể trở thành một "nhà báo nói" kiêm phát thanh viên, với ti tỉ những chương trình radio mà họ có thể nghĩ ra.

Giờ đây, khi nhân loại chuẩn bị bước sang năm 2006, biến thể mới nhất của blog đã xuất hiện. Một cách logic, nó chính là video blog - nhật ký Web bằng hình ảnh và các đoạn video clip.

Chưa bao giờ, việc tạo lập một vlog lại dễ dàng và thuận lợi như bây giờ, nhờ một thế hệ camcorder mới giá rẻ, các phần mềm và chương trình biên tập hình ảnh đơn giản, sẵn có - chưa kể kết nối băng thông rộng cho phép download video cũng đã khá phổ biến.

Truyền hình "chân thực"

vlog của Steve Garfield

Đã từ rất lâu, giới báo chí vẫn mơ về một loại hình "truyền hình" chân thực như thế này. "Mọi người muốn được nhìn thấy hình ảnh của những người thật, việc thật - những góc khuất của cuộc sống. Thực tế, góc cạnh và sát sườn. Họ đã chán ngấy những nội dung được đánh bóng, tô vẽ, xuất hiện hào nhoáng trên truyền hình hàng ngày", Amanda Congdon, đồng viết kịch bản kiêm người dẫn chương trình của "Rocketboom" - một vlog cực kỳ thành công tại Mỹ - nói.

Trong chương trình phát sóng gần đây nhất trên một vlog khác, "The Carol & Steve Show", nhà sản xuất Steve Garfield đã lang thang trên những con phố đầy tuyết của Boston, vừa đi vừa thảo luận về nền văn hóa vlog mới khai sinh với... vợ.

"Đôi khi có người nói video blog làm sao bì được với truyền hình chuyên nghiệp. Nhưng xin hãy nhớ rằng chúng tôi có cố gồng mình làm chương trình TV đâu. Chúng tôi chỉ cố gắng ghi lại những khoảnh khắc bình thường nhất trong cuộc sống mỗi người mà thôi", Steve nói.

Hội tụ của truyền hình và Net

Sự ra đời của vlog khiến người ta không thể không nghĩ về một tương lai gần, khi Internet và truyền hình cuối cùng cũng hội tụ với nhau. Rồi sẽ đến một ngày khi một chương trình truyền hình được phát đi dưới dạng gói (package) để người xem download từ Web, thay vì các đài muốn phát gì thì phát như hiện nay.

 

Bản thân các hãng truyền thông có tiếng - cả báo in lẫn phát thanh truyền hình - đều nhận thấy xu hướng này. Họ đã lục tục tích hợp podcast, videocast và các video clip bản tin thời sự vào website của mình, bên cạnh các bài báo viết.

Tháng 10 vừa qua, Apple đã tung ra thị trường sản phẩm mới: iPod xem được video. Đây có thể coi là một tiền đề cực kỳ quan trọng cho vlog cất cánh - nếu nhớ lại chính loại máy nghe nhạc Mp3 này đã mở đường cho Podcast phát triển dũng mãnh như thế nào trong năm 2005. Những video clip ngắn, đơn giản, gọn nhẹ kiểu vlog tỏ ra đặc biệt lý tưởng cho màn hình bé xíu của các thiết bị như vPod và ĐTDĐ.

Trên thực tế, vlog đã manh nha xuất hiện từ sau thảm họa sóng thần tại Nam Á cách đây đúng 1 năm. Khi đó, các đoạn băng video do khách du lịch tự quay đã được tất cả các kênh truyền hình lớn chiếu lại, cũng như upload lên mạng Web. Tương tự, đến tháng 8 vừa rồi, khi cơn bão Katrina tấn công nước Mỹ, các "phóng viên truyền hình" nghiệp dư cũng đá cống hiến những hình ảnh vô cùng quý giá.

Miễn phí hay thu phí?

Không rõ hiện trên thế giới có khoảng bao nhiêu người đang lập vlog, chỉ biết rằng vlog đang nở rộ ở Mỹ, Canada, Tây Âu, Úc và đang bắt đầu tấn công sang châu Phi, châu Á cùng Trung Đông.

Trong số này, Rocketboom có vẻ nổi nhất, là "người tình trong mộng" của tất cả các vlogger. Đây là một nồi lẩu thập cẩm, trộn lẫn giữa tin tức thời sự, chuyện phiếm (buôn dưa lê) trên web và các chương trình giải trí - phát sóng 5 ngày mỗi tuần.

Ra mắt từ năm 2004, đến nay site này đã có khoảng 100.000 lượt download mỗi ngày và buộc các nhà quảng cáo phải chú ý đến tiềm năng của vlog. Và tất nhiên, nó cũng chẳng cần đến hàng triệu USD chi phí đầu tư để có thể phát sóng như truyền hình cổ điển.

Hiện tại thì các site vlog đều đang miễn phí. Nguồn thu của họ chủ yếu dựa vào quảng cáo, bán sản phẩm đi kèm nhưng trong tương lai, có thể một số nội dung đặc sắc sẽ bị thu phí.

Thiên Ý

Theo VietnamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video