Vỏ của một số loài ốc sên Đại Tây Dương – một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn – đã dài ra đáng kể trong thế kỷ vừa qua, một nghiên cứu mới phát hiện.
Sử dụng bộ sưu tập từ Học viện khoa học tự nhiên Philadelphia, một nhóm các nhà nghiên cứu đã đo kích thước của 19 lô vỏ được thu thập từ 1915 đến 1922, rồi so sánh chúng với những mẫu từ cùng 19 địa điểm ngày nay.
Họ phát hiện rằng độ dài của vỏ đã tăng 22,6% kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay.
Người chỉ đạo nghiên cứu, Jonathan Fisher thuộc Đại học Queen, Canada, cho biết: “Chúng tôi phát hiện thấy kích thước vỏ tăng đáng kể, điều này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thức ăn của bờ biển”.
Những con ốc sên đang ăn hàu trên bờ biển Maine. (Ảnh: Jonathan A. D. Fisher) |
Những nghiên cứu trước đây phát hiện rằng ốc sên lớn hơn thường ăn trai và hàu, đồng thời thời gian nghỉ giữa những lần ăn ngắn hơn so với ốc sên có kích thước nhỏ hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng không rõ tại sao ốc sên lại phát triển lớn và nhanh như vậy.
Fisher cho biết: “Nhiều thay đổi môi trường được ghi chép giữa các giai đoạn có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ phát triển hoặc sống sót của ốc sên. Những loài cá săn mồi đang ít dần đi, điều này có thể tạo điều kiện cho ốc sên phát triển”.
Nhiệt độ nước ngày nay ấm hơn 100 năm trước, đó cũng có thể là yếu tố khiến ốc sên phát triển nhanh hơn.
Fisher kết luận: “Tuy nhiên, bất chấp yếu tố nào góp phần vào sự tăng kích thước của ốc sên, môi trường biển đang thay đổi một cách nhanh chóng. Đó mới là điều quan trọng”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences số ngày 23 tháng 3