J0624-6948, chiếc vòng tròn lửa ma quái, được phát hiện vài năm trước nhờ hệ thống quan sát thiên văn ASKAP do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO - Úc) quản lý.
Vòng tròn lửa ma quái mà ASKAP bắt được - (Ảnh: NASA/CXC/A. Hobart)
Theo SciTech Daily, ban đầu nó được cho là một ORC (vòng tròn vô tuyến kỳ lạ), thứ tuy còn đầy bí ẩn, nhưng đã được phát hiện khá nhiều trong vũ trụ, với nhiều khác biệt dễ nhận thấy về chỉ số quang phổ vô tuyến, kích thước biểu kiến...
Vòng tròn lửa tiếp tục được nghi ngờ là tàn dư kỳ dị của một siêu tân tinh cổ đại nằm trong Đám mây Magellan Lớn, một trong các thiên hà vệ tinh của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Thế nhưng trong nghiên cứu mới, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi giáo sư Miroslav Filipovic từ Trường Khoa học của Đại học Tây Sydney cho biết các phân tích mới cho thấy nó không thuộc bất kỳ thiên hà nào - kể cả Milky Way lẫn Đám mây Magellan Lớn bên cạnh - mà nằm lang thang trong không gian giữa các thiên hà, nơi lẽ ra nó không thể tồn tại.
Vòng tròn lửa đúng là tàn dư của một siêu tân tinh, ước tính mới 7.000 năm tuổi, một quãng thời gian dài đối với người Trái Đất nhưng chỉ là tích tắc so với thời gian vũ trụ. Vì tính chất "lang thang" có một không hai, vòng trong lửa ma quái được mệnh danh là "Tàn dư siêu tân tinh bất hảo".