Vũ khí bí mật giúp ong bắp cày đực thoát miệng ếch

Tuy không có ngòi đốt giống ong cái, ong bắp cày thợ nề đực dùng gai nhọn ở cơ quan sinh dục đốt kẻ thù để trốn thoát.

Chỉ có ong bắp cày cái có vũ khí cần thiết để đốt động vật săn mồi và bơm nọc độc vào cơ thể chúng, do đó ong đực thường được cho là hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố hôm 19/12 trên tạp chí Current Biology cho thấy ong bắp cày đực có thể thoát nạn nhờ sử dụng cơ quan sinh dục không có nọc độc nhưng cực nhọn.


Ếch cây phải nhả ong đực do bị gai đâm. (Ảnh: Shinji Sugiura)

Hai chiếc gai mảnh có thể thụt vào nằm ở hai bên dương vật của ong bắp cày thợ nề đực (Anterhynchium gibbifrons). Một số loài ong sử dụng gai để cố định con cái trong quá trình giao phối, nhưng ong bắp cày thợ nề đực dường như không làm vậy, ít nhất trong phòng thí nghiệm. Thay vào đó, chúng để lộ dương vật đầy gai chỉ khi đối đầu với vật thể nguy hiểm như tay của nhà khoa học.

Đồng tác giả nghiên cứu Misaki Tsujii, nghiên cứu sinh ở Trường Cao học Khoa học nông nghiệp tại Đại học Kobe, Nhật Bản, đang nghiên cứu vòng đời của ong bắp cày thợ nề thì đột nhiên cảm thấy cơn đau nhói ở ngón tay. Cô đang làm việc với một con ong đực tưởng chừng vô hại và rất kinh ngạc trước sự việc.

Tsujii và cộng sự là Shinji Sugiura, phó giáo sư ở cùng trường, thiết kế thí nghiệm để kiểm tra xem liệu ong bắp cày có sử dụng cơ quan sinh dục để xua đuổi động vật ăn thịt mà nó có thể chạm trán trong tự nhiên hay không. Họ mang ếch cây Nhật (Dryophytes japonica) vào phòng thí nghiệm, đặt chúng trong hộp chứa cùng với ong bắp cày thợ nề đực, lắp đặt camera và chờ đợi.

Khi ếch cây há to miệng ngoạm ong bắp cày, con ong phản ứng bằng cách dùng hàm đớp lại ếch và đâm kẻ thù bằng gai sinh dục. Tuy nhiên, phần lớn nỗ lực tự vệ của ong bắp cày không có hiệu quả, gần 65% ong cuối cùng vẫn bị ăn thịt. Nhưng trong 35,3% trường hợp còn lại, ếch cây phải nhả ong bắp cày ra và để chúng bay đi.

Nhóm nghiên cứu lặp lại thí nghiệm với ong bắp cày đực bị cắt cơ quan sinh dục và chúng nhanh chóng bị nuốt chửng, dù con ong vẫn cắn ếch bằng bộ hàm. Do đó, họ kết luận gai sinh dục đóng vai trò ngăn ếch cây nuốt chửng ong bắp cày đực.

Hiệu quả của gai sinh dục ở ong đực rất thấp so với ngòi đốt của ong cái. Ếch cây ít ăn ong cái hơn và khi tấn công, chúng nhổ ong cái ra trong khoảng 87,5% trường hợp. Các nhà nghiên cứu cũng để cả ong bắp cày đực và cái tiếp xúc với động vật ăn mồi thứ hai là ếch ao đốm đen (Pelophylax nigromaculatus). Tuy nhiên, loài ếch này chịu được cơ chế phòng ngự của ong đực cũng như ong cái và nhanh chóng nuốt chửng chúng. Theo Sugiura, ếch ao có khả năng chịu đốt tốt, chúng thậm chí có thể ăn thịt cả ong bắp cày lớn cực độc. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ nhiều loài ong bắp cày đực khác cũng dùng gai ở cơ quan sinh dục để tự vệ.

Cập nhật: 26/12/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video